Bước phát triển mới của dệt may Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, ngành dệt may đang khẳng định vị thế ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu của tỉnh.

Đi vào hoạt động từ cuối năm 2004, đến nay Công ty liên doanh Flexcon (cụm công nghiệp Dĩnh Trì - Lạng Giang) đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay Công ty đang có 11 dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo việc làm cho hơn 860 công nhân với thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chủ yếu của Công ty là áo jacket, quần áo thể thao và váy phụ nữ. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Công ty ước đạt  12 triệu USD. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất của Công ty, hàng năm tiêu thụ hơn 65% sản phẩm, còn lại là thị trường châu Âu và một số nước khác. Ông Nalleah Sellathurrai, Tổng giám đốc Công ty cho biết: "Công ty của chúng tôi đã đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam khoảng 15 năm nay và đã có nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua thời gian hoạt động tại Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy ở đây có môi trường khá thuận lợi cho phát triển ngành may mặc, nhất là có lượng lao động dồi dào, chăm chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đầu tư thêm một xưởng sản xuất mới với số lượng lao động khoảng 500 công nhân". 

Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc cũng đang có những bước trưởng thành nhanh chóng. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đơn vị chủ động tiếp cận thị trường thế giới qua các sản phẩm quần áo dệt kim và được các bạn hàng đánh giá cao về chất lượng. Ông Trần Anh Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Với phương châm sản phẩm tốt sẽ có khách hàng tốt nên trong thời gian qua chúng tôi đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị, thực hiện tốt hợp đồng đã ký với khách hàng. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi đã được nhiều đối tác lớn như Tập đoàn Wal-Mart, Mango, GAP… tin tưởng nhập khẩu". Trong những năm gần đây, với định hướng đúng về sản phẩm, thị trường, kim ngạch xuất khẩu của đơn vị luôn có sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu  mới đạt 5,5 triệu USD thì năm 2007, đơn vị đã đạt hơn 7,2 triệu USD với hơn 4,5 triệu sản phẩm xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… Công ty đang tạo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn có khoảng gần 20 cơ sở sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và nhiều đơn vị đang tiếp tục đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất. Hầu hết các huyện, thành phố đều có cơ sở sản xuất hàng may mặc. Trong đó, sự hoạt động hiệu quả của nhiều doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài như Công ty Quốc tế ViệtPan-Pacific, Công ty Philko Vina, Công ty liên doanh Flexcon.. đã và đang cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực sản xuất này trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của nhiều chủ DN may thì yếu tố dồi dào nguồn nhân lực, diện tích rộng và giao thông thuận lợi là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất này. Các sản phẩm may của Bắc Giang đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản. Đặc biệt, Công ty cổ phần May Bắc Giang hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cả nước về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Đây là sự tự hào đồng thời cho thấy dệt may trong tỉnh đang ngày càng lớn mạnh. Với sự nỗ lực của các DN và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, năm 2007 dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 80 triệu USD chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Quý I năm nay, mặt hàng này tiếp tục có sự gia tăng mạnh mẽ với hơn 23,8 triệu USD, chiếm gần 78% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Theo kế hoạch, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực dệt may dự kiến sẽ đạt 100 triệu USD, gần bằng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong năm 2007.

Việc đẩy mạnh phát triển các DN may trên địa bàn là chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm tạo việc làm cho số lượng lớn người lao động, nhất là các lao động nữ khu vực nông thôn, từng bước xây dựng nền công nghiệp hiện đại và nâng cao giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, trong hoạt động hiện nay của các DN vẫn còn mọt số bất cập.  Đó là tình trạng số lượng xuất khẩu nhiều nhưng phần lớn vẫn là gia công cho các đơn vị khác hoặc "mượn" thương hiệu để xuất khẩu. Sự liên kết, trao đổi thông tin giữa các đơn vị còn lỏng lẻo, do đó không tạo được tiền đề cần thiết cho sự phát triển một cách toàn diện. Các đơn vị chưa thực sự chú ý đến công tác xúc tiến thương mại, áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường nội địa còn bị "bỏ ngỏ" trong nhiều năm nay…

      Thời gian tới, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ người lao động, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường… các DN may trên địa bàn tỉnh cần tiến tới việc xây dựng tổ chức hiệp hội để có điều kiện trao đổi, chia sẻ thông tin thị trường, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Đặc biệt, cần chú trọng giải quyết triệt để các chính sách với người lao động, tạo điều kiện ổn định sản xuất. Đây là những điều kiện quan trọng, tạo tiền đề để ngành dệt may Bắc Giang tiếp tục tăng tốc.

Trung bình (0 Bình chọn)