Chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 36 bậc

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều ngày 04/01, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ Kế hoạch năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. Điểm cầu Bắc Giang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chủ trì.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của đất nước đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn được đưa vào khai thác như: các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 51, Nam Sông Hậu, Quốc lộ 80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...

KCHTGT tại các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng được tập trung đầu tư, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết do TNGT xuống dưới 9 nghìn người; hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, tạo nên kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống KCHTGT trung ương và địa phương. Công tác quản lý hoạt động vận tải ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chất lượng các loại hình dịch vụ vận tải ngày càng được cải thiện. Công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã thông qua Đề án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km đi qua 20 tỉnh, thành phố, phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với chiều dài 663 km đi qua 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Đây là các dự án trọng điểm Quốc gia nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và nhân dân. Đến nay, cơ bản các dự án đã hoàn thành đi vào khai thác sử dụng, sớm hơn 1-1,5 năm so với kế hoạch đề ra. Tổng mức đầu tư trên 116 nghìn tỷ đồng.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, tăng 36 bậc so với năm 2010.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp của ngành GTVT cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2016, trong đó thống nhất với các chỉ tiêu: tiếp tục thực hiện “siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 7-8% về tấn hàng hóa và lượt khách so với năm 2015; giảm TNGT từ 5-10% so với năm 2015 trên cả 3 tiêu chí; giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến trên 80 nghìn tỷ đồng.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng 5 năm qua, KCHTGT của nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của đất nước. Thủ tướng hy vọng ngành GTVT tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, bước vào năm 2016 với tinh thần chủ động, sáng tạo.

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực nhiều hơn, tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư KCHT thông qua từng dự án cụ thể. Nâng cao hiệu quả, năng lực vận tải đảm bảo sự phát triển của đất nước, giảm giá thành, giảm chi phí vận tải nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo đảm bảo an toàn cho giao thông vận tải. Tiếp tục tái cơ cấu ngành để hoạt động hiệu quả hơn.

Nhân dịp này, 3 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước do có đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc; 4 tỉnh, 9 huyện, 1 thị xã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ do có nhiều đóng góp vào phong trào phát triển giao thông nông thôn miền núi; 31 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ do hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ của Bộ GTVT; nhiều đơn vị, sở, huyện, thị xã được nhận Cờ thi đua của Bộ GTVT./.

Trung bình (0 Bình chọn)