Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 29/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Dự hội nghị có các Phó Thủ tuớng: Trương Hòa Bình, Vuơng Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đại diện hàng trăm doanh nghiệp. Tại điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tuớng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nuớc, là những người đi tiên phong và là động lực xây dựng, phát triển kinh tế đất nuớc. Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng thực tiễn doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Thủ tuớng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lắng nghe những phản ánh thực chất, thẳng thắn của các doanh nghiệp để cùng phối hợp tháo gỡ.

Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp. Quý I/2016, cả nước có gần 80 nghìn doanh nghiệp ngưng hoạt động, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% bị thua lỗ. Đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao. Ông cho rằng Chính phủ cần làm ngay việc giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường...). Cắt giảm thuế và phí, bỏ thuế khoán, thay vào đó là thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi... cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.

Các doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ. Trong đó, các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất là những vướng mắc về cơ chế, chính sách thuế, hải quan, lãi suất, khai thông nguồn vốn và đất đai, giải phóng mặt bằng, phí và lệ phí... Trong số này, có nhiều kiến nghị dựa trên tình trạng thực tế mới phát sinh thời gian gần đây cho tới những vấn đề còn tồn đọng từ lâu chưa được giải quyết. 

Những cam kết mạnh mẽ

Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Bộ, ngành đã có những chia sẻ với doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới đây. Trước hết, Bộ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch, méo mó thị trường. Tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là sống còn. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công. Đồng thời, sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khuôn khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ tập trung nâng cao hiệu quả tài chính trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm. Phấn đấu mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để đảm bảo công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới.

Các thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành đều thể hiện quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định từ xa xưa, xã hội Việt Nam vẫn luôn mang truyền thống tôn trọng, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng trong bối cảnh mới, chúng ta phải thừa nhận rằng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá để tuân thủ. Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các giấy phép, phí, phụ phí bất hợp lý.

Chính phủ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh./.

Tại Bắc Giang, hiện có trên 3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có khoảng 60% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, 20% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 15,4% doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, 4,6% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực, nâng cao giá trị xuất khẩu.

 

Trung bình (0 Bình chọn)