Chính phủ thông báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2006

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong hai ngày 23 và 24/1, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí đánh giá: Nhìn chung tình hình kinh tế -xã hội của nước ta trong tháng đầu tiên của năm 2006 tiếp tục ổn định và đạt kết quả khá trên nhiều mặt

    

 Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2006 tăng 15,7% so với cùng kỳ 2005, cao hơn mức kế hoạch đề ra (15,5%), trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng thấp nhất (5,1%) và chiếm tỷ trọng 31,3%; khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng cao trên 21% và có tỷ trọng tương ứng là 31,7% và 37% toàn ngành.

       Mặc dù trong tháng đầu năm, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp nhưng sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bước đầu đã khống chế được dịch cúm gia cầm. Đến ngày 15/1/2006 cả nước đã gieo cấy được gần 2,5 triệu ha lúa Đông Xuân, bằng tiến độ của vụ Đông Xuân năm trước, trong đó các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được trên 1,78 triệu ha, các tỉnh phía Bắc gieo cấy được 689 nghìn ha, bằng 98,3% so với mùa vụ năm trước. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để việc tiêu thụ gia súc, gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ; kiểm dịch gia súc, gia cầm tại các lò giết mổ tập trung. Đến 15/01/2006, cả nước không còn ổ dịch cúm gia cầm, việc tiêu thụ gia cầm bắt đầu được mở rộng, nhiều hộ chăn nuôi ở nhiều địa phương đã xin phép nuôi, gây lại đàn. Để hạn chế dịch cúm gia cầm, một số tỉnh đã chủ trương giảm đàn gia cầm chăn nuôi phân tán, phát triển mô hình nuôi tập trung. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp trong thời gian tới có thể phải đối mặt với một số khó khăn: nguy cơ hạn hán và thiếu nước tưới cho gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ và dịch cúm gia cầm tuy đã được khống chế, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nguy cơ bùng phát.    

        Hoạt động xuất khẩu cũng được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16% so tháng 1/2005 (cùng kỳ đạt kim ngạch 2 tỷ USD); trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 960 triệu USD, tăng 18%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 3,15 tỷ USD, tăng 10,8% so tháng 1 năm 2005, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 1,13 tỷ  USD, tăng 18,7%. Nhìn chung, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất đều tăng như: xăng dầu tăng 1,8%; phân bón các loại tăng 22%; sắt thép tăng 10,6%; giấy tăng 4,7% so với cùng kỳ. Nhập siêu trong tháng 1 khoảng 350 triệu USD, bằng 12,5% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức nhập siêu cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước là 10%). Khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tháng 1 năm 2006 ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, bằng 6,5% kế hoạch năm, chủ yếu tập trung cho các công trình chuyển tiếp. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá, đặc biệt là vốn đăng ký mới. Trong tháng 1/2006, tổng vốn của các dự án được cấp giấy phép mới và vốn đăng ký tăng thêm ước đạt 444 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 419 triệu USD, với 58 dự án được cấp giấy phép đầu tư, tăng 12% về vốn đăng ký, và tăng 4% về số dự án so với cùng kỳ năm trước; vốn tăng thêm là 25 triệu USD với 11 lượt dự án tăng vốn, tăng 25% về vốn, và tăng 10% về số dự án. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 242 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2005. Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng 1/2006 ước đạt 7,6% dự toán năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2005 đạt 7,8% dự toán năm); Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đạt 7,3% (cùng kỳ đạt 7,9%); chi trả nợ và viện trợ đạt 8,1%; chi cải cách tiền lương đạt 7,9% dự toán năm.

        Hiện nay, Chính phủ rất quan tâm theo dõi tình hình biến động giá cả, bởi nó đang trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,2% so với tháng 12 năm 2005, cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước (cùng kỳ năm 2003 tăng 0,9%, 2004 và 2005 cùng tăng 1,1%) trong đó lương thực tăng 2,1%, thực phẩm tăng 1,4%, các mặt hàng phục vụ Tết như đồ uống và thuốc lá, hàng may mặc... tăng từ 0,9% đến 1,2%. Chỉ số giá vàng tăng 4%, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,1%). Trước tình hình trên, vai trò của các Tổng công ty Nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc bình ổn được giá cả tạo tâm lý yên tâm hơn cho người dân, góp phần ổn định sản xuất, lưu thông phân phối.
Trung bình (0 Bình chọn)