Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp cần tự nâng cấp để đạt chuẩn quốc tế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là ví dụ điển hình của việc đề cao tiếng nói của doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải nâng cấp mình lên để đạt chuẩn quốc tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (Ảnh: M.P)

Đó là chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi được hỏi về những đánh giá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua.

Phóng viên (PV): Ông có thể đánh giá chung về việc cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2017 vừa qua?

Ông Vũ Tiến Lộc: Qua chỉ số PCI, có thể nói bức tranh môi trường kinh doanh có nhiều khởi sắc. Đây là lần đầu tiên điểm trung vị của PCI tăng mức kỷ lục kể từ năm 2005 chúng tôi công bố PCI.

Hầu hết các địa phương đều có tiến bộ so với chính mình, chỉ số PCI đều tăng và có sự rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương ở cuối bảng và đầu bảng. Điều đó cho thấy, cải cách đã được lan tỏa, và việc chuyển lửa cải cách về địa phương dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu thành công.

Điều quan trọng nhất, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được khơi dậy. Có đến 52% doanh nghiệp trong nước và 60% doanh nghiệp nước ngoài cho biết, họ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin về môi trường kinh doanh cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.

Ngoài ra một điểm đáng mừng ở bức tranh PCI năm nay là cả 5 TP lớn Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - động lực tăng trưởng của cả nước, đầu tàu kinh tế lần đầu tiên có mặt đông đủ trong nhóm các địa phương dẫn đầu.

Điều đó cho thấy, các trung tâm kinh tế lớn đã chuyển động và sự chuyển động của các trung tâm lớn có ý nghĩa rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều điểm chúng ta chưa hài lòng. Trước hết là tính minh bạch và các thiết chế pháp lý để giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp đang chuyển biến khá chậm trễ.

Thứ hai, chi phí không chính thức mặc dù đã giảm trong năm qua nhưng còn đến 59% các doanh nghiệp nói rằng, họ vẫn phải trả các chi phí không chính thức và vẫn còn 28% số doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng đối với chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền.

Gần đây, một số trở ngại mới nổi lên. Đó là, tiếp cận đất đai khó khăn hơn và sự an toàn trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất là vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại. Mặc dù an ninh vẫn được bảo đảm, nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại về vấn đề an ninh trật tự và an ninh của một số địa phương.

Điều này đòi hỏi phải có những đột phá tiếp tục về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính ở cấp trung ương để tạo ra những dư địa mới. Vì vậy, chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và kỳ vọng vào quyết tâm đột phá tiếp theo của Chính phủ là yêu cầu tất cả các bộ, ngành phải đưa ra kế hoạch cắt giảm 30-50% các thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh của bộ, ngành mình để tiếp tục tạo ra bước đột phá cho các địa phương.

PV: PCI năm nay dành một chương riêng đánh giá chất lượng quản lý của doanh nghiệp dân doanh trong nước. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Có thể nói rằng, một trong những thách thức phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là làm sao nâng cao được năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân để khu vực này có thể cạnh tranh thắng lợi trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy, báo cáo PCI mới có 1 chương riêng này và chúng tôi đưa ra những phát hiện quan trọng.

Khu vực tư nhân thời gian qua thời gian vừa rồi đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ về số lượng, nhưng quy mô kể cả vốn và lao động đang nhỏ đi. Đặc biệt, chúng ta đang rất thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa trong nền kinh tế. Nền kinh tế đang trong quá trình phát triển, chúng ta thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ lớn là điều dễ hiểu vì các doanh nghiệp lớn đôi khi để hình thành được phải mất thời gian dài, có khi cả 100 năm, nhưng doanh nghiệp cỡ vừa có thể hình thành trong thời gian không quá dài, nhưng chúng ta không chỉ ít các doanh nghiệp lớn mà còn quá ít các doanh nghiệp cỡ vừa.

Các doanh nghiệp cỡ vừa có lợi thế trong cạnh tranh. Đó là vừa đủ lớn để hoạt động có hiệu quả và vừa đủ nhỏ để linh hoạt. Cho nên hội chứng thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa là điểm yếu của cộng đồng  doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong suốt 30 năm đổi mới, chúng ta chưa hình thành được thế hệ các nhà công nghiệp để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Mà một nền kinh tế thành công thì phải có một thế hệ các nhà công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển.

Hiện nay theo nghiên cứu của PCI là mới chỉ có 14% doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có sản phẩm có thể cung ứng cho xuất khẩu và chỉ có 6% các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có khả năng cung ứng các dịch vụ cho các FDI Việt Nam.

Như vậy nền kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế hướng cho xuất khẩu, nền kinh tế có độ mở rất cao nhưng lợi thế xuất khẩu, độ mở của nền kinh tế mới là lợi thế của doanh nghiệp FDI chứ không phải là doanh nghiệp trong nước.

Qua nghiên cứu của PCI và các nghiên cứu quốc tế khác thì năng lực quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại thấp trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực. Cho nên nâng cao quản trị doanh nghiệp đang là yêu cầu rất quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

PV: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao quản trị và chính quyền địa phương cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Ông Vũ Tiến Lộc: Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì điều quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay với Chính phủ để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. PCI là ví dụ điển hình của việc đề cao tiếng nói của doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải nâng cấp mình lên để đạt chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tới, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ có những chương trình phối hợp với các bộ, ngành địa phương. Bên cạnh việc tham gia xây dựng thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn thì có những chương trình đào tạo, hỗ trợ để nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ nhân của nền kinh tế  Việt Nam cũng như chủ nhân của nền kinh tế thế giới trong thời đại cách mạng công nghệ kỹ thuật số chính là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Cho nên nâng cao năng lực khu vực này là yêu cầu bức thiết nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trung bình (0 Bình chọn)