Chùa Khám Lạng - huyện Lục Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong không gian văn hóa tỉnh Bắc Giang, chùa Khám Lạng tại huyện Lục Nam là một di tích cổ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa và giá trị kiến trúc nghệ thuật, trong đó có báu vật Quốc gia hương án chùa Khám Lạng.
Chùa Khám Lạng được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999.

Chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT ngày 02/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ngôi chùa tọa lạc ở thôn Bến nhìn ra sông Lục Nam và dãy núi Huyền Đinh hùng vĩ. Ngày nay chùa Khám Lạng còn bảo lưu một số tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá và giá trị kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu nhất là chiếc hương án đá hoa sen thời Lê sơ.

Hương án đá tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn thời Lê được tạo từ nhiều khối đá xanh ghép lại thành khối lớn hình chữ nhật.

Hương án ghép từ nhiều khối đá xanh hình chữ nhật dài 3,12m, rộng 1,4m, cao 1,2m, chia thành ba phần: Mặt hương án, thân và chân đế. Xung quanh chạm khắc hình cánh sen lớn xếp đan chéo nhau. Nghệ thuật chạm khắc họa tiết hoa văn trên hương án đá chùa Khám Lạng đều kế thừa, phát huy giá trị tinh hoa theo mô típ hoa văn của thời Lý, Trần. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật, các đề tài chạm khắc trên, hương án còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Nghệ thuật chạm khắc họa tiết hoa văn trên hương án đá từ hình rồng, cánh sen, hoa cúc, hoa văn sóng nước... đều kế thừa phát huy giá trị tinh hoa của hoa văn thời Lý - Trần. 

 Trên bệ đá khắc họa nhiều đường nét hoa văn độc đáo hình sóng nước, rồng, cánh sen, hoa cúc...

Trên hương án khắc dòng chữ “Thuận Thiên ngũ niên - Nhâm Tý niên” (tức là năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ năm (đời vua Lê Thái Tổ - 1432). Nhìn tổng thể phần mặt bệ hương án như một tòa sen lớn. Tại Bắc Giang, ngoài chùa Khám Lạng chưa tìm thấy nơi nào có hương án độc đáo như vậy. Tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận hương án chùa Khám Lạng là bảo vật Quốc gia.

Ngoài hương án đá, ngôi chùa này còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như hai bệ tượng đá hoa sen có niên đại Hồng Đức thứ 15 năm 1494. Hệ thống tượng Phật cổ được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm các ngài Đức, ông Khánh Hiền, Quan Âm Thị Kính. 

Chùa Khám Lạng nhìn từ bên ngoài.

Chùa Khám Lạng là một di tích có giá trị lịch sử quan trọng đối với nhân dân địa phương. Hàng năm, hội lệ chùa Khám Lạng được tổ chức vào ngày mùng 6 - 7 tháng 3 âm lịch. Trong ngày lễ hội, các du khách thập phương về đây lễ Phật, vãn cảnh chùa và tham gia các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc quê hương như chơi đu, chọi gà, đấu vật, kéo co./.

Trần Khiêm

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)