Chuyển biến công nghiệp Bắc Giang.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, công nghiệp Bắc Giang đã có sự bứt phá ấn tượng cả “diện rộng” và “điểm nhấn”. Cùng với các khu, cụm công nghiệp phát triển mạnh trên diện rộng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư lớn,

Trong chính sách thu hút đầu tư, Bắc Giang “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn bằng cơ chế thông thoáng về thủ tục đầu tư, với cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi và tăng cường xúc tiến đầu tư. Thu hút đầu tư được thực hiện thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” giúp nhà đầu tư tránh gặp phiền hà, giản tiện thủ tục, tiết kiệm chi phí và thời gian khi quyết định “lập nghiệp” tại Bắc Giang. Đặc biệt lãnh đạo UBND tỉnh cùng ngành chức năng có liên quan thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe nguyện vọng, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa bàn. Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp mới đây, ông Trang Cẩm Tông, Giám đốc Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất, phân phối hàng hoá, nghiên cứu phát triển các loại sản phẩm và thiết bị điện tử, máy đúc khuôn của Công ty TNHH FUHONG (Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải) đang đầu tư tại Khu công nghiệp Vân Trung đã khẳng định: Tập đoàn đã khảo sát đầu tư ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước nhưng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, giao thông, nguồn nhân lực và nhất là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng như các ngành khiến Tập đoàn đã quyết định đầu tư dự án này tại Bắc Giang…”.

Với cơ chế thông thoáng đã giúp các doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Những năm qua, ngoài các khu công nghiệp được hình thành, phát triển thì khắp các huyện, thành phố cũng xuất hiện các cụm, điểm công nghiệp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Đến nay trên địa bàn đã có 4 khu công nghiệp và trên 30 cụm, điểm công nghiệp hình thành. Không chỉ có công nghiệp tập trung, nhiều ngành nghề ở khu vực nông thôn được du nhập, các làng nghề truyền thống được khôi phục. Nhiều sản phẩm truyền thống như rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến… đã được xuất khẩu đi các nước. Những miền quê nông thôn vốn bình dị, yên ả bỗng trở lên sôi động khi các khu, cụm công nghiệp hoặc nhà máy tiến sát luỹ tre làng.

Điều dễ nhận ra sau gần 8 năm tập trung cao cho phát triển công nghiệp là thành công về phát triển KT-XH của tỉnh có sự đóng góp tích cực của các khu, cụm công nghiệp và mỗi doanh nghiệp. Hàng năm, số doanh nghiệp và vốn đăng ký đầu tư vào địa bàn đều tăng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 30%/năm. Chỉ tính riêng năm 2007, đã có 79 dự án trong nước đầu tư vào địa bàn với tổng số vốn đăng ký 3,6 nghìn tỷ đồng và 13 dự án FDI với số vốn đăng ký 149 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Những con số ấy còn là thành quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho hoạt động công nghệ và đặc biệt là tư duy, tác phong công nghiệp của đội ngũ cán bộ và người dân Bắc Giang.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một tỉnh vốn thuần nông. Tuy nhiên nhìn vào cơ cấu các dự án đầu tư và sự phân bố các vùng công nghiệp tập trung trên địa bàn dễ nhận thấy những “điểm nhấn” được ưu tiên phát triển. Các khu công nghiệp nhanh chóng được hình thành và phát triển mạnh. Kể từ khi Khu công nghiệp Đình Trám được thành lập năm 2003 với quy mô 100 ha, đến nay tỉnh ta đã phát triển thêm 3 khu công nghiệp: Quang Châu 426 ha, Song Khê-Nội Hoàng 180 ha và Vân Trung 433 ha. Các khu công nghiệp này đã thu hút được gần 80 dự án với tổng số vốn gần 5 nghìn tỷ đồng và gần 70 triệu USD. Những dự án đầu tư vào các khu công nghiệp chủ yếu là dự án có vốn đầu tư lớn, tiềm năng và năng lực sản xuất dễ dàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Năm 2007, chỉ tính riêng giá trị sản xuất ở Khu công nghiệp Đình Trám đạt khoảng 426 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm trước, chiếm gần 20% giá trị sản xuất toàn ngành… Trong tương lai không xa khi các khu công nghiệp được các nhà đầu tư lấp đầy, sản xuất ổn định thì hiệu quả kinh tế mang lại cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước rất lớn.

Không chỉ có “điểm nhấn” từ các khu công nghiệp, việc thu hút đầu tư thời gian qua đặc biệt chú trọng đến các dự án không những vốn đầu tư cao có công nghệ sản xuất hiện đại, ít ô nhiễm môi trường, sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và bảo đảm phát triển bền vững. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các ngành đều thẳng thắn với các nhà đầu tư quan điểm ưu tiên cho các khu công nghiệp, địa bàn thành phố Bắc Giang những dự án bảo đảm nội dung trên đồng thời giới thiệu các dự án dễ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động phổ thông như sản xuất da giầy, dệt may… về các vùng nông thôn. Quan điểm phát triển nhanh nhưng bền vững đã bước đầu mang lại thành công. Mới đây, 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hồng Hải với số vốn đăng ký lên tới 118 triệu USD (cao hơn nhiều so với tổng số vốn của tất cả các dự án từ trước tới nay) sẽ sản xuất các sản phẩm linh kiện và thiết bị điện tử… được chấp thuận đầu tư vào địa bàn. Các dự án lắp ráp ô tô, sản xuất vật liệu hợp kim màu… cũng đã và đang được thực hiện. Bài học về sự quy hoạch thiếu “tầm nhìn xa”, phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, dự án đầu tư không khả thi hoặc thiếu sự hài hoà trong tiến trình phát triển ở một số tỉnh, thành phố đang là những kinh nghiệm quý cho công nghiệp Bắc Giang né tránh.

Dù trong mỗi bước phát triển công nghiệp của tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc nhưng những định hướng ban đầu cũng như cách làm thời gian qua đã và đang khẳng định bước thành công trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Trung bình (0 Bình chọn)