Chuyện những doanh nhân ở Yên Dũng.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Họ đã từng là người lính dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, họ lại tiếp tục vượt khó khăn, trở thành những doanh nhân thành đạt trên quê hương. Điều đáng trân trọng là họ đã có nhiều đóng góp vì cộng đồng.

Dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề tư thục Tân Xuân (Yên Dũng).

Người đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là  cựu chiến binh (CCB) Lương Công Xuân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vạn Xuân - Trung tâm dạy nghề tư thục Tân Xuân ở thị trấn Neo. Anh là một thương binh  mang trên mình 81% thương tật. Không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh, rời quân ngũ, anh về quê học nghề may. Từ một cửa hàng may mặc nhỏ bé, dần dần cơ sở của anh phát triển  và giữa năm 2004 trở thành doanh nghiệp tư nhân.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục tìm tòi phát triển nghề thêu, móc sợi xuất khẩu… và thành lập trung tâm dạy nghề với mong muốn mở mang sản xuất, làm giàu cho gia đình, quê hương và đóng góp cho xã hội. Có thể nói từ bấy đến nay, người giám đốc thương binh đã dạy nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn người khó khăn trên địa bàn có thu nhập. Những năm qua, trong tổng số 4.500 lao động đựơc anh dạy nghề, có công việc ổn định  thì gần 3.000 người là con các cựu chiến binh, quân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ và hộ nghèo. Đặc biệt anh đã quyết định chiêu sinh, bảo trợ hoàn toàn gần 30 trẻ khuyết tật bị ảnh hưởng chất độc hóa học chiến tranh được học nghề tranh thêu miễn phí. Hiện tại các em đều có tay nghề vững, làm việc ngay tại trung tâm. Sản phẩm tranh thêu của các em đã được trưng bày ở nhiều triển lãm của tỉnh, trung ương và được đánh giá cao. Hiện tại, mỗi em thu nhập có bình quân 650- 700 nghìn đồng/ tháng. Mỗi năm, ngoài thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước hàng trăm triệu đồng, anh còn tham gia nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện.

Cũng như anh Xuân, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính trở về địa phương, chị Đào Thị Hoa Bắc ở thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê bươn chải đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 2000, chị quyết định sang Đài Loan lao động. Nhờ hoạt bát lại thạo ngoại ngữ và giao tiếp, chị đã được nhận vào làm tại Công ty cung ứng nhân lực Đài Loan. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị được tín nhiệm giao trọng trách giám đốc văn phòng đại diện BAGIACOOP tại Bắc Giang, (trực thuộc Liên hiệp sản xuất thương mại - hợp tác xã Việt Nam). Với mong muốn tạo nhiều cơ hội cho người lao động tại quê hương có việc làm tăng thu nhập, chị đã chuyển văn phòng về xã Song Khê rồi tiếp tục mở ra trung tâm dạy nghề tư thục. Hiện tại, Trung tâm có hơn 40 giáo viên và nhân viên phục vụ, chủ yếu là người địa phương được chị tuyển vào làm việc với mức lương trung bình 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ tháng. Đến nay, 1.500 lao động do trung tâm đào tạo đã sang làm việc tại Đài Loan, Ma- lay- xi- a… Mỗi năm, mỗi lao động đã gửi về cho gia đình khoảng 50- 60 triệu đồng. Ngoài việc quan tâm giảm chi phí học nghề, sinh hoạt, hỗ trợ các khỏan lãi tiền vay ngân hàng cho lao động là con thương binh, gia đình liệt sĩ, hộ nghèo, chị còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong tỉnh, trong huyện và thôn xóm…

Tại xã Cảnh Thuỵ, bà con đã nhắc nhiều đến anh Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Công ty TNHH Hương Tiến. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, anh đã xoay sở đủ nghề từ sản xuất rau giống, làm máy xay xát nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhưng chính sự linh hoạt dám nghĩ, dám làm đã giúp anh trở thành một doanh  nhân khá thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, xây dựng, vận tải và thương mại hàng hóa với tổng tài sản vài tỷ đồng, doanh thu mỗi năm 6 - 7 tỷ đồng. Nhờ doanh nghiệp Hương Tiến ra đời mà gần 30 lao động trong xóm, ngoài làng được làm việc tại công ty, được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi lâu dài với thu nhập bình quân 700- 800 nghìn đồng/người/ tháng. Cùng với mở rộng sản xuất, những năm gần đây, anh còn dành 20- 25 triệu đồng mỗi năm từ lợi nhuận kinh doanh tặng quà cho thiếu nhi, phụ nữ nghèo, ủng hộ đồng bào thiên tai, bão lũ...

Ghi lại những câu chuyện trên, chúng tôi muốn khắc hoạ một hình ảnh đẹp của những người lính trên trận tuyến mới. Họ không chỉ giỏi giang trong sản xuất, kinh doanh mà còn luôn hướng về cộng đồng bằng những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó cũng là nghĩa nặng, tình sâu mà các doanh nhân CCB Yên Dũng muốn đóng góp cho đời ./.

Trung bình (0 Bình chọn)