Cơ hội và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong hội thảo thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra sáng 16/4, qua các bài tham luận, chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp có thể thấy rằng Bắc Giang đang có những thế mạnh và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần có các giải pháp, chính sách mạnh mẽ, dài hạn để tận dụng các cơ hội.

Tiềm năng, cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Tham luận tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các DN đều cho rằng Bắc Giang có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT, kiêm Chủ tịch Công ty FPT IS (thuộc Tập đoàn FPT).

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT, kiêm Chủ tịch Công ty FPT IS (thuộc Tập đoàn FPT) nhấn mạnh Bắc Giang có vị trí địa lý đắc địa, có tiềm năng trở thành cái nôi phát triển nguồn lao động bán dẫn nhờ sự quyết liệt, sẵn sàng đón nhận cơ hội phát triển mới, tạo điều kiện để làm việc với đối tác trong và ngoài nước của người đứng đầu. Bắc Giang là mảnh đất của những nhân tài, thuộc top đầu cả nước trong lĩnh vực giáo dục với hơn 1.000 trường chuẩn quốc gia; Dạy học theo phương thức STEM trong các trường phổ thông. Học sinh giỏi Toán, được học STEM sẽ phù hợp tham gia vào ngành bán dẫn về sau này. Bên cạnh đó, kinh tế quý I/2024 của Bắc Giang đứng đầu cả nước, tỉnh có 3 DN lớn đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, 5 cụm công nghiệp điện tử. Chính vì vậy, Bắc Giang có nền tảng vững chắc để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành cái nôi phát triển nguồn lao động bán dẫn cho các DN, KCN.

Theo ông Trần Đăng Hòa, Bắc Giang cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để trở thành thành phố bán dẫn và là một trong những tỉnh đi đầu về bán dẫn như: Chuẩn bị nguồn nhân lực chip bán dẫn ngay và luôn để đáp ứng nhu cầu của các DN nước ngoài đến Bắc Giang mở nhà máy. Thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước xây mới nhà máy bán dẫn trên địa bàn để nội địa hóa chuỗi cung ứng. Phát triển trung tâm về chuỗi cung ứng và kho bãi, trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực và toàn cầu vì có vị trí địa lý thuận lợi và chính sách cởi mở. Trên quá trình đó, FPT mong muốn tận dụng thế mạnh trong lịch sử hợp tác nhiều năm song hành cùng Bắc Giang, để khai thác các tiềm năng tiếp theo về bán dẫn và FPT sẽ luôn đồng hành cùng Bắc Giang trong quá trình trở thành thành phố bán dẫn.

TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC).

TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) cho rằng Bắc Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, là khu vực tập trung sản xuất của nhiều tập đoàn công nghiệp điện tử lớn trên thế giới. Bắc Giang đang dần chuyển mình để trở thành một khu vực tiềm năng cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn từ các nguồn vốn FDI.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn, do đó việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch đóng vai trò rất quan trọng. Việc đầu tư và phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ mang lại lợi ích cho các DN và tỉnh Bắc Giang, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền KT-XH Việt Nam trong tương lai.

PGS.TS. Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi về hạ tầng cơ sở vật chất, về trình độ công nghệ, về nguồn nhân lực chất lượng và số lượng lớn để phục vụ. Bắc Giang là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, có nhiều KCN, cơ sở hạ tầng đã có sẵn. Đây sẽ là cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bền vững và đa dạng cho sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina.

Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina (DN sản xuất về chất bán dẫn tại Bắc Giang) cho biết, Tập đoàn Hana Micron có định hướng phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam. Tập đoàn có kế hoạch gia tăng sản xuất, liên kết với các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn để mở rộng phạm vi kinh doanh của công ty. Nhân lực tuyển dụng tại Việt Nam sẽ chiếm 70% trong tổng số nhân lực của nhà đầu tư.

Để đáp ứng về nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn, thời gian qua, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang đã liên kết với DN để đào tạo nhân lực. Để chủ động nguồn nhân lực tại chỗ và có thể phục vụ Tập đoàn, DN phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang tổ chức một lớp đào tạo về chất bán dẫn với sự tham gia của gần 100 sinh viên được lựa chọn từ ngành nghề điện tử công nghiệp, điện công nghiệp và công nghệ thông tin; chương trình vài tháng nữa mới hoàn thành khóa học nhưng hiện tại các sinh viên đã có vị trí việc làm. Đối với chương trình hợp tác phát triển giữa DN với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang, mỗi trường có 40 học sinh, DN mong muốn việc đào tạo ý thức và nhận thức nghề nghiệp từ phía nhà trường; DN chỉ lựa chọn những sinh viên muốn làm việc tại Hana Micron, tham gia thực tập và có thể làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, PGS.TS. Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng đối với các địa phương nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng, việc tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, thiết lập và thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn tại địa phương đang ở giai đoạn khởi đầu. Địa phương cần xem xét và lựa chọn giai đoạn phù hợp để có những hoạch định mục tiêu hợp lý đối với lĩnh vực công nghiệp này.

PGS.TS. Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với tài nguyên đất đai và nguồn nhân lực lao động trẻ của Bắc Giang, việc thu hút các nhà máy và tập trung vào khâu sản xuất đóng gói, kiểm thử như các địa phương hiện nay là phổ biến và phù hợp. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang, tỉnh cần chú trọng xác định mục tiêu và nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận và thu hút đầu tư, phục vụ phát triển các KCN. Việc đào tạo có thể thông qua hợp tác, đặt hàng với các trường đại học có năng lực và các loại hình đáp ứng nhu cầu từ đào tạo nghề, đào tạo thực hành, đào tạo theo nhu cầu bổ sung kiến thức đến đào tạo trình độ cao chuyên sâu đặc thù. Ngoài ra, tỉnh có thể đặt hàng các khóa ngắn hạn theo nhu cầu, các khóa liên kết đào tạo kết hợp thực hành tại DN trong và ngoài nước để nhanh chóng tăng cường nguồn nhân lực.

Tỉnh cần có chính sách thu hút con người có trình độ phù hợp từ các địa phương đến làm việc. Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng của tỉnh về kế hoạch cải tiến chương trình đào tạo, ngành đào tạo nhằm chủ động đào tạo tại chỗ mang tính lâu dài. Ưu tiên các DN Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa, có cơ chế khuyến khích và ưu đãi khi đầu tư hoạt động để từng bước tạo cơ hội phát triển sản phẩm bán dẫn. Xem xét lựa chọn các công ty từ các quốc gia phát triển về công nghệ bán dẫn như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc có điểm xuất phát tương đồng để học hỏi kinh nghiệm, kết nối thu hút đầu tư và kết hợp chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính bền vững.

TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) cho rằng với số lượng các DN đang tăng lên, nhu cầu nguồn nhân lực cho tất cả các giai đoạn trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành phụ trợ đang thay đổi nhanh chóng, Bắc Giang cần phải nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các DN tại Bắc Giang.

Để làm được điều đó, Bắc Giang cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh về ngành công nghiệp bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức… để tiếp cận đến các nguồn đầu tư FDI và hợp tác quốc tế trong đào tạo. Đồng thời nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Quan tâm bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo thực hành ngắn hạn, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo sau đại học về ngành công nghiệp bán dẫn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu, DN và các tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động tham gia và tăng cường hợp tác nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, DN nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo đầu ra cho nguồn nhân lực. Cùng đó hợp tác với các trường đại học kỹ thuật lớn trong nước, nhất là tại khu vực Hà Nội trong hoạt động đào tạo, thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia vào quá trình đào tạo và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của tỉnh.

TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết để triển khai hiệu quả việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Giang cần chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai một số giải pháp nhằm đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong đó, xác định việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cần phải đi trước một bước; đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho những người lao động đã có các kỹ năng cơ bản để kịp thời tham gia vào các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn là một cách hiệu quả để bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt trong giai đoạn hiện nay.

Rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo nhân lực ở các ngành nghề, công việc có liên quan phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Đẩy mạnh hoàn thiện và thực thi cơ chế hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, nhà trường, DN tại địa phương và các vùng lân cận. Rà soát và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của địa phương trong việc ưu đãi, thu hút đầu tư của DN trong lĩnh vực bán dẫn hỗ trợ, đầu tư thiết bị, công nghệ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền để các DN thấy được lợi ích của việc gắn kết, tham gia vào quá trình đào tạo. Xây dựng và tổ chức hiệu quả các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN. Tăng cường triển khai hình thức đào tạo theo đặt hàng của DN Nghiên cứu áp dụng hiệu quả hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa bàn lân cận trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách cụ thể trong việc thu hút nhân tài làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

Nhóm PV

Trung bình (0 Bình chọn)