|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, từ cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và là một trong những chủ nhân đầu tiên của nước Việt cổ. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái – Kađai).
Người Tày ở xã Đại Sơn, huyện Sơn Động.

Theo số liệu thống kê năm 2019, người Tày ở Bắc Giang có 59.008 người tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Động 19.722 người, Lục Ngạn 15.643 người, Lục Nam 10.438 người, Yên Thế 6.034 người, Việt Yên 3.017 người, Lạng Giang 1.584 người…

Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Tày có nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian khác nhau như trong phạm vi gia đình có thờ tổ tiên, thờ Bà mụ, Phật Bà Quan Âm, Táo quân, ngoài bản thì thờ thổ thần, một số bản có thờ thành hoàng, một số nơi còn xây chùa để thờ Phật. Các nghi lễ vòng đời cũng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày. Người Tày ở Lục Nam cúng xôi vàng (gạo nếp ngâm nước quả dành dành) vào ngày mùng một Tết; tảo mộ vào ngày 3/3, 5/5 hàng năm.

Nghi lễ Then của dân tộc Tày.

Nghi lễ Then giống một buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, có ý nghĩa về mặt tinh thần đối với đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Thái. Các Nghi lễ Then như về nhà mới, cưới hỏi, giải hạn, cúng mụ, sinh nhật...Theo quan niệm của người Tày, Nùng đây là các nghi lễ mang lại nhiều điều may mắn cho gia đình, là bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Tùy từng nghi lễ mà gia chủ chuẩn bị lễ vật khác nhau, như lễ sinh nhật, cầu an, lễ vật thường có gà, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo…Tại một cuộc làm Then không thể thiếu các dụng cụ cần thiết như đàn tính, sóc nhạc, quạt, kiếm...

Nhà ở truyền thống của người Tày bao gồm ba dạng cơ bản: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất và trình tường. Trong đó, nhà sàn là dạng nhà truyền thống phổ biến nhất với cấu trúc chung là loại nhà sàn năm gian, ba gian hoặc một gian, hai chái, mái chéo hình lưỡi rìu, thấp so với mặt sàn, nhà trình đất tường lợp ngói âm dương. Nhà ở hiện nay của người Tày được xây dựng bằng cay, gạch có tường bao

Trang  phục chủ yếu được làm bằng vải chàm đen, ít trang trí hoa văn. Y phục của nam giới bao gồm áo cánh bốn thân, xẻ ngực, buộc khuy nút vải, cổ tròn, ống tay áo nhỏ và dài, có hai túi ở hai bên vạt áo. Bộ trang phục nữ thường có hai chiếc áo, một chiếc áo cánh ngắn và một chiếc áo dài; quần hoặc váy, thắt lưng; khăn vấn tóc và khăn vuông đội trên đầu. Áo cánh là loại áo ngắn, mỏng, may bằng vải trắng hoặc màu sáng, mặc bên trong áo dài. Áo có bốn thân, xẻ ngực, cổ tròn, ống tay nhỏ, có hai túi nhỏ ở vạt áo. Áo dài là loại áo năm thân, có năm cúc bằng nút vải hoặc bằng đồng cài bên nách phải; thắt lưng dài quấn quanh bụng rồi buộc phía sau, buông dài xuống ngang kheo chân; cổ áo tròn; ống tay dài và hẹp.

Người Tày có rất nhiều các làn điệu dân ca như lượn, then, quan lang, hát ví, hát ru, hát đồng dao...Lượn là làn điệu được sử dụng thường xuyên dưới hình thức hát giao duyên nam nữ, được hát trong nhà và những dịp lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới, khi có khách lạ dừng chân qua đêm ở bản.

Then được coi là một làn điệu dân ca đặc biệt, trước kia hầu như chỉ sử dụng trong nghi lễ dưới hình thức hát xướng và khi hát có thể kết hợp với cả múa và nhạc. Hát quan lang chỉ sử dụng trong đám cưới, là hình thức hát đối đáp giữa đại diện nhà trai và nhà gái. Đàn tính là loại nhạc cụ có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Tày, như linh hồn trong nghệ thuật dân ca dân vũ Tày.

Diệu Hoa - Thu Trang

Trung bình (0 Bình chọn)