Di tích Quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết


Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh: BGP

Địa chỉ: Thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang 

Liên hệ: 0983 876 847

Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế cách thành phố Bắc Giang khoảng 30 km về phía Bắc, đây là những đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của người hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Mỗi di tích trong Hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đều trực tiếp phản ánh sinh động quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu tiên, tới những ngày cuối cùng.

Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế bao gồm: Đồn Phồn Xương, Đền Thề, đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai là 9 điểm trong tổng số 23 điểm di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012.

Lễ hội Yên thế - Di sản phi vật thể Quốc gia, được tổ chức hàng năm vào ngày 16 tháng 3 Dương lịch.

2. Chùa Kem (hay còn gọi là Sùng Nham tự)

Chùa Kem.

Địa chỉ: Thôn Kem, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Liên hệ: 0914 130 443

Chùa Kem (Sùng Nham tự) là ngôi chùa cổ, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong vùng từ hàng trăm năm nay. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như bia đá tứ diện nói đến việc lập Hậu Phật, tạo năm Chính Hòa thứ 2 (1682), bia tháp Thanh Phong được lập vào tháng 11 năm 1775, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36. Ở chùa còn có một tấm bia có tên gọi “Tự sự bi ký” được tạo vào năm Thành Thái thứ 18 (1096). Ngoài ra hệ thống thờ tự nơi đây còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá của các thời kỳ khác nhau.

Từ năm 1906 đến 1908 chùa là nơi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân. Đề Thám đã cho đắp lũy, làm tường thành, làm nhà, luyện tập quân sự, tạo thành khu căn cứ chống Pháp. Dấu tích tường lũy, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ hiện vẫn còn lưu giữ. Qua đây, cho chúng ta biết được vị trí chiến lược quan trọng của ngôi chùa trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Yên Thế. Ngôi chùa đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hội chùa (ngày giỗ Tổ) được tổ chức long trọng vào ngày 24 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ các vị sư Tổ có công trong việc xây dựng phát triển ngôi chùa và cúng Phật tạo không gian sinh hoạt văn hóa tôn giáo lành mạnh của nhân dân trong vùng.

3. Chùa Vĩnh Nghiêm (còn được gọi là chùa Đức La)

Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: BGP

 

Địa chỉ: Thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Liên hệ: 0914 130 443

Chùa Vĩnh Nghiêm thờ Phật và Tam Tổ Trúc Lâm là Hương Vân Đại Đầu Đà (Phật hoàng Trần Nhân Tông), Pháp Loa và Huyền Quang. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ XIII thời nhà Trần. Chùa tọa lạc tại nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp được ví là một danh lam cổ tự đứng đầu trong thiên hạ. Chùa là công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam.

Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm còn bảo lưu kho mộc bản quý giá với 3.050 ván khắc kinh, ngày 16/5/2012 đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với những giá trị tiêu biểu nổi bật, ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2367/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Vĩnh Nghiêm.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia, hàng năm được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng Hai Âm lịch

4. Chùa Bổ Đà (có tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, còn gọi là Chùa Bổ)

Toàn cảnh Chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao. Ảnh: BGP

Địa chỉ: Xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang 

Liên hệ: 0916.737.698

Chùa Bổ Đà là nơi tu hành của các tăng ni và đào tạo các tăng đồ theo Thiền phái Lâm Tế trong hơn 300 năm. Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Chùa còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật.

Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng  bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc.

Chùa Bổ Đà là di tích tiêu biểu của huyện Việt Yên - Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016.

Lễ hội chùa Bổ Đà hàng năm được tổ chức vào ngày 17, 18 tháng Hai Âm lịch. Hội thi hát Quan họ cũng được tổ chức hằng năm tại khu di tích Bổ Đà nhân dịp lễ hội./.

 

Trung bình (0 Bình chọn)