Hải Dương: Thực hiện tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Từ nay đến năm 2030, các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hải Dương sẽ được tinh gọn, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; những đơn vị hoạt động không hiệu quả sẽ bị giải thể.

Ngày 4/1, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã xem xét Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2017-2030 trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tiêu 10 - 10 - 10

Đây là mức giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN) từ nay đến năm 2030 ở tỉnh Hải Dương

Theo đó, giai đoạn đến năm 2021: Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2015. Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. 100% số đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2025. Tiếp tục giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo: Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, sẽ tổ chức rà soát, sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ vào quy mô học sinh, số lớp, khoảng cách địa lý sẽ tổ chức trường phổ thông công lập hai cấp học tiểu học và trung học cơ sở (THCS) hoặc liên trường.

Đến năm 2021, giảm ít nhất 10% số trường so với năm 2015 (tương đương 87 trường). Đến năm 2025, giảm tiếp 10% số trường so với năm 2021 (tương đương 79 trường). Xã hội hoá các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường THCS chất lượng cao, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Đại học Hải Dương, Trường Cao đẳng Hải Dương và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp còn lại sẽ nghiên cứu tổ chức lại gọn đầu mối theo hướng đa chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá; giải thể các trường hoạt động không hiệu quả…

Lĩnh vực y tế: Năm 2018 sáp nhập 3 trung tâm, gồm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở Y tế…

Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Sở Khoa học và Công nghệ chỉ còn 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Năm 2018, chuyển Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng (thuộc Sở NN&PTNN) thành doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin và truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Hải Dương cũng tổ chức lại theo hướng tinh gọn (sáp nhập, chuyển sang hình thức ngoài công lập, xã hội hóa...).

Đối với các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác, tỉnh thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần và giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Trung bình (0 Bình chọn)