Hiệu quả nghề nuôi tằm ở Hợp Thịnh.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những ngày này, người dân xã Hợp Thịnh, “thủ phủ vùng dâu” của huyện Hiệp Hoà đang bận rộn chăn lứa tằm hè. Mấy tháng qua, tằm ít dịch bệnh, giá kén tăng khá nên nhiều hộ đã thu được chục triệu đồng từ dâu tằm.

Rộn ràng mùa  kén vàng.

Đang là thời điểm thu hoạch kén của lứa tằm hè, nhà nào nhà nấy đều có nong lớn, nong bé đựng kén vàng. Tuy chỉ là nghề phụ thôi, nhưng thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm đã góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình ở nơi đây. Như năm nay, dù thời tiết đầu năm quá lạnh, phải đến giữa tháng Hai âm lịch mới bắt đầu chăn tằm nhưng đến nay, sau 3 tháng nhiều gia đình đã có thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Những gia đình nuôi nhiều có thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Năm nay, giá kén khá cao. Mấy lứa đầu, người vùng dâu thường nuôi tằm trắng, giống tằm Trung Quốc thích hợp với khí hậu lạnh, giá kén được 37-38 nghìn đồng/kg. Đến những lứa sau, khi thời tiết ấm dần, bà con nuôi tằm vàng lai hoặc tằm vàng ta, giá kén vàng có thời điểm lên đến 52 nghìn đồng/kg. Dịp này tằm vụ hè đang được thu hoạch rộ, sản lượng kén tăng mạnh so với tháng trước nên giá bán còn 38-42 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá kén tăng bình quân 2-3 nghìn đồng/kg. Hiện nay, toàn xã Hợp Thịnh có 4/6 thôn nuôi tằm với 1.300 hộ, sản lượng kén 6 tháng đầu năm ước đạt gần 100 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 4 tỷ đồng…

Băn khoăn trước biến động về giá

Theo nhiều người dân vùng dâu, chưa có năm nào mà giá kén vàng có lúc lên tới 52 nghìn đồng/kg như năm nay. Nhưng cũng chưa có năm nào, giá kén biến động mạnh như năm nay. Từ ngày 17-5 đến 22-5, giá đang từ 52 nghìn đồng hạ xuống hơn 30 nghìn đồng rồi vài ngày sau đó lại tăng lên 40 nghìn đồng. Nguyên nhân là do “đầu ra” cho kén tằm ngày càng hẹp. Trước đây thường có rất nhiều người đến Hợp Thịnh thu mua kén, ngay tại xã cũng có hơn chục máy ươm tơ hoạt động nên nông dân không bán kén cho người này thì bán cho người khác. Tuy nhiên, gần đây, những máy ươm tơ ít dần. Người thu mua kén ở tỉnh ngoài đến cũng giảm. Hiện nay, nông dân ở Hợp Thịnh chỉ có thể bán kén cho vài đầu mối trung gian ở các tỉnh khác. Bà Nguyễn Thị Nhũ (thôn Ninh Tào) cho biết :“Với tình trạng tiêu thụ như hiện nay, người ta trả giá cao thì được cao, trả giá thấp mình phải bán theo giá thấp, chẳng thể mang bán chỗ khác được. Cứ thấy chiều hướng kén được thu hoạch rộ là người mua lại “ép giá”. Mặc dù trên thị trường, giá kén không hề biến động theo ngày như những sản phẩm hoa quả bán tươi…”. Cùng với những khó khăn trong khâu tiêu thụ là trở ngại trong vấn đề bảo vệ môi trường chăn nuôi tằm. Nhớ lại năm 2002-2003, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, khiến cả xã thất thu hàng tỷ đồng. Bài học rút ra từ những đợt dịch bệnh ấy cho thấy, khâu vệ sinh nong né, bảo đảm môi trường xung quanh khu vực nuôi tằm là vô cùng quan trọng. Từ năm 2003 đến nay, sau khi tham gia những đợt tập huấn về kỹ thuật xử lý môi trường, một số hộ đã chú trọng áp dụng và thu được kết quả khả quan. Ông Lê Minh, thôn Hương Ninh cho biết :“Mỗi lứa tằm được thu hoạch xong tôi đều xử lý nong né bằng thuốc khử trùng. Tôi làm 40m2 nhà cấp bốn dành riêng để nuôi tằm, nơi này luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Nhờ vậy, gia đình nuôi tằm đã nhiều năm nhưng rất ít khi thấy tằm bị bệnh”. Cũng nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, gia đình ông Minh có thu nhập khá cao từ dâu tằm. Nuôi thường xuyên hơn chục nong tằm, từ đầu năm đến nay, ông đã thu hơn 9 triệu đồng. Tuy nhiên, dù đã được khuyến cáo song tình trạng nuôi tằm gần nơi ăn, chốn nghỉ của con người hay gần nơi nuôi gia súc vẫn khá phổ biến ở Hợp Thịnh. Mấy năm gần đây, nhìn chung trên tằm ít xảy ra dịch bệnh nhưng cục bộ vẫn có một số hộ vẫn bị “mất mùa riêng” bởi tằm mắc bệnh gai gạo, bóng đầu…mà nguyên nhân chính là do môi trường không bảo đảm. Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ làm ảnh hưởng chung đến hiệu quả lâu dài của nghề chăn tằm trong toàn xã bởi dịch bệnh ở tằm có khả năng lây lan từ vụ trước sang vụ sau, từ nhà này sang nhà khác.

Là “thủ phủ vùng dâu” của huyện Hiệp Hoà, xã Hợp Thịnh hiện có 106 ha dâu, chiếm hơn 40% tổng diện tích dâu toàn huyện. Diện tích soi, bãi có thể trồng dâu còn khá lớn. Tuy nhiên, trước những rào cản trong khâu tiêu thụ, dù giá dâu hai năm trở lại đây khá cao song nông dân không thể tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này. Để nghề trồng dâu chăn tằm đứng vững và ngày một phát triển, người dân Hợp Thịnh rất cần có những doanh nghiệp liên kết sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến tơ, kén tại địa phương để bà con tiêu thụ sản phẩm từ nghề dâu tằm thuận lợi hơn. Đồng thời cần có sự trợ lực về giống, khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng dâu, tằm, hạn chế rủi ro bởi dịch bệnh.

Trung bình (0 Bình chọn)