Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 12/3, Sở Tư pháp Bắc Giang tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị

Bộ Luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005. Sau hơn 9 năm thi hành, Bộ Luật Dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: chưa bảo đảm nguyên tắc quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong những trường hợp đặc biệt; nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn bất hợp lý, thiếu tính khả thi; nhiều quy định chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; còn thiếu các quy định mang tính điều khoản chung trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự; cấu trúc của Bộ Luật Dân sự có điểm chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống...

Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) có 6 phần, 26 chương, 712 điều gồm các quy định chung; quyền sở hữu và các vật quyền khác; nghĩa vụ và hợp đồng; thừa kế; pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; điều khoản thi hành.

Tại hội nghị, có 22 ý kiến đóng góp, cơ bản các đại biểu nhất trí với Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Một số đại biểu đề nghị chọn phương án 2 tại điều 40, mục 2, chương III, có ý  kiến cho rằng cần bổ sung thêm “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật. Bộ Y tế và Bộ Tư pháp phối hợp hướng dẫn chi tiết điều này”. Tại Điều 151, đề nghị bổ sung thêm khoản 4 đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng cần có người đại diện theo pháp luật. Có đại biểu đề nghị, tại Điều 69 quy định ”khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết ...”, cần xác định rõ như thế nào được coi là tin tức xác thực và bổ sung trách nhiệm chứng minh tính xác thực đối với người cung cấp thông tin đó. Về quyền nhân thân, đề nghị bổ sung quy định: “Trường hợp họ có con chung thì quyền và nghĩa vụ của họ được xác định theo Luật hôn nhân và gia đình” tại khoản 3, điều 42...

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Sở Tư pháp tổng hợp, gửi đến cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, nghiên cứu./.

Trung bình (0 Bình chọn)