Hội thảo về Quản lý, xử lý rác thải khu vực nông thôn giai đoạn 2015-2020

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 14-1, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức hội thảo góp ý đối với dự thảo “Đề án quản lý, xử lý rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020”. Đến dự có đồng chí Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số huyện, Sở, ban, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Sở TNMT Bắc Giang, ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, tổng khối lượng  chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 425 tấn/ngày; tuy nhiên tỷ lệ được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 54%, chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp và đốt bằng lò đốt. Việc quy hoạch và đầu tư, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác thải chưa được triển khai đồng bộ. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Đồng thời chưa có mô hình quản lý, thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý rác thải nông thôn phù hợp...

Dự thảo đề án đề ra lộ trình giai đoạn 2015-2017, các ngành, các cấp ra quân tổng vệ sinh thu gom, xử lý rác thải tại các điểm tồn lưu trên địa bàn xong trước ngày 31-3-2015. UBND các huyện, thành phố hoàn thành phê duyệt quy hoạch các điểm tập kết rác thải sinh hoạt và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thu phí vệ sinh môi trường bảo đảm tỷ lệ thu phí đạt 70%; nghiên cứu lựa chọn mô hình về thu gom, xử lý rác phù hợp ở nông thôn... Giai đoạn 2018 -2020, các huyện, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh môi trường; đầu tư xây dựng các điểm, khu tập kết rác, bảo đảm đến năm 2020 đạt 90% khu dân cư; mỗi huyện hoàn thành ít nhất một khu xử lý rác thải tập trung....

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày, trao đổi kinh nghiệm về một số mô hình xử lý rác đang áp dụng tại địa phương để xem xét, bổ sung vào dự thảo đề án. Một số đại biểu đề nghị cần tiến hành quan trắc, đánh giá, hoàn thiện thủ tục xin cấp chứng nhận bảo đảm an toàn về môi trường cho các lò đốt trước khi nhân rộng; phân loại rác trước khi xử lý để giảm thiểu ô nhiễm. Xây dựng bãi rác thải và thành lập tổ vệ sinh môi trường ở cấp xã nhằm giảm chi phí trung gian. Các đại biểu đề nghị đề án cần xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện theo từng cấp. Cùng với đó, nghiên cứu, lựa chọn mô hình lò đốt rác để áp dụng cho phù hợp. Một số xã kiến nghị tỉnh xem xét bố trí hỗ trợ kinh phí thu gom rác thải cho cơ sở để nâng cao hiệu quả thu gom...

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn đề nghị Sở TNMT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án. Xem xét, điều chỉnh lại cấu trúc, phạm vi đề án bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế. Đề án nên bổ sung một số mô hình xử lý rác đang áp dụng, trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương thức. Đồng thời, đề án phải đánh giá hiện trạng thu gom, xử lý rác trên địa bàn một cách toàn diện, tổng quát hơn; xác định rõ kinh phí thực hiện, mức thu phí vệ sinh để tỉnh xem xét, ban hành giải pháp.

Cùng với đó, bổ sung quan điểm đề án là đa dạng các hình thức thu gom, xử lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nêu rõ mục tiêu, xác định cụ thể số xã triển khai áp dụng mô hình thu gom, xử lý rác và tỷ lệ rác thải được xử lý. Phần nội dung của đề án, bổ sung nhiệm vụ tham mưu các quy định, cơ chế, chính sách cho công tác thu gom, xử lý rác. Nghiên cứu, xác định mô hình áp dụng và số lượng mô hình cho từng huyện, xã. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công nghệ xử lý đóng vai trò quyết định, trong đó cần thống nhất 3 phương pháp chính là ủ biến rác thành phân hữu cơ, đốt và chôn lấp rác thải./.

Trung bình (0 Bình chọn)