Kỳ vọng từ thượng đỉnh Trung Quốc - EU

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Các vấn đề kinh tế - thương mại sẽ là những mối quan tâm hàng đầu tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc.

Những vấn đề kinh tế tại thượng đỉnh Trung Quốc - EU

Hôm nay (7/12), Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh, dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có cuộc gặp các nhà lãnh đạo EU trong khuôn khổ hội nghị. Các vấn đề kinh tế - thương mại sẽ một trong những mối quan tâm hàng đầu của cả hai bên, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau 4 năm.

Dự kiến, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế toàn cầu, mang tính chiến lược mà cả hai bên cùng quan tâm. Giới chức EU cho biết, muốn tăng cường hợp tác và tìm kiếm các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Bắc Kinh, giảm bớt mức thâm hụt trong thương mại song phương.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng được dự báo sẽ hướng tới việc thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ thương mại giữa hai bên như vấn đề xe điện hay áp thuế khí thải carbon. Ngay trước thềm cuộc họp, phía Trung Quốc bày tỏ thái độ cởi mở trong quan hệ hợp tác với EU.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc và châu Âu là đối tác, không phải đối thủ và lợi ích chung của hai bên vượt xa sự khác biệt".

Ông Jens Eskelund - Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho rằng: "Tôi nghĩ tín hiệu quan trọng nhất từ hội nghị là mối quan hệ này rất quan trọng với châu Âu. Châu Âu thực sự muốn ngồi lại với Trung Quốc để tìm giải pháp, để giải quyết những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm".

Trung Quốc - EU vẫn liên kết chặt chẽ về thương mại 

Kỳ vọng từ thượng đỉnh Trung Quốc - EU - Ảnh 1.

Giới chuyên gia hiện đang tỏ ra thận trọng đối với triển vọng của hội nghị, do hai bên vẫn còn không ít bất đồng, từ sự mất cân bằng trong thương mại cho tới vấn đề mở cửa thị trường. Tuy nhiên, động lực để tìm kiếm một sự đối thoại là rất rõ ràng, khi mà hai nền kinh tế lớn này vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào nhau.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại song phương trong năm ngoái đã tăng 22,8% lên 847,3 tỷ USD, tức là cứ mỗi ngày lại có hơn 2,3 tỷ USD hàng hóa được giao dịch giữa Trung Quốc và EU.

Doanh nghiệp kỳ vọng Trung Quốc - EU tăng cường hợp tác

Trong bối cảnh cả Trung Quốc và EU vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc phục hồi nền kinh tế, một mối quan hệ hợp tác tích cực hiện đang là điều các doanh nghiệp của cả hai bên đều mong muốn.

Trong vài tháng qua, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, sau khi Trung Quốc và EU nối lại các cuộc đối thoại cấp cao trong nhiều vấn đề, đồng thời đạt được một số bước tiến rõ ràng.

Giới doanh nghiệp châu Âu đã bày tỏ sự ủng hộ việc Trung Quốc thực hiện chính sách miễn thị thực cho công dân một số nước thuộc EU, qua đó giúp các doanh nhân có thể thuận lợi trong di chuyển, tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư.

Ông Bernard Dewit - Chủ tịch Phòng Thương mại Bỉ - Trung Quốc cho biết: "Điều này mang lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cho thấy, Trung Quốc sẽ cởi mở hơn với các doanh nghiệp, và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh".

Kỳ vọng từ thượng đỉnh Trung Quốc - EU - Ảnh 2.

Thương mại song phương Trung Quốc - EU vẫn đang tăng trưởng tích cực và triển vọng sẽ còn được cải thiện hơn nữa. Ảnh minh họa - Ảnh: THX/TTXVN

Về phía Trung Quốc, một cuộc khảo sát hồi tháng trước cho thấy, 83% số doanh nghiệp nước này hoạt động ở châu Âu vẫn đặt niềm tin vào thị trường EU và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng, những mối lo ngại liên quan đến các biện pháp phòng về thương mại sẽ sớm được giải quyết, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện.

"Việc EU áp thuế xe điện sẽ khiến người tiêu dùng tại đây chịu thiệt hại vì họ không còn nhiều lựa chọn tốt với giá cả phù hợp. Các hãng xe Trung Quốc cũng sẽ mất thị phần. Nếu Trung Quốc đáp trả, các hãng xe châu Âu cũng sẽ gặp khó khăn. Đó là một tình huống gây thiệt hại cho tất cả các bên", ông Andy Zhou - Giám đốc danh mục đầu tư, công ty Deloitte Trung Quốc nhận định.

Các chuyên gia nhận định, thương mại song phương Trung Quốc - EU vẫn đang tăng trưởng tích cực và triển vọng sẽ còn được cải thiện hơn nữa, nếu hai bên sớm tìm được những tiếng nói chung. Một mối quan hệ ổn định hơn giữa hai nền kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới, cũng sẽ lan tỏa tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu.

Theo https://vtv.vn/

Trung bình (0 Bình chọn)