Lục Nam đẩy mạnh biện pháp phát triển kinh tế.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển KT-XH.

* Phát huy lợi thế vùng để phát triển nông nghiệp

         Xác định nông nghiệp giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nên Huyện uỷ, UBND huyện đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể đẩy mạnh Chương trình phát triển Nông-lâm nghiệp hàng hoá. Do điều kiện tự nhiên đặc thù, địa hình chia ba miền rõ rệt nên huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thành vùng sản xuất hàng hoá phù hợp với thế mạnh từng vùng. Ở các xã khu vực miền núi cao chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc và ong lấy mật. Các xã trung du, vùng núi thấp tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, rau màu chế biến xuất khẩu, phát triển kinh tế VAC, chăn nuôi gia súc, gia cầm hướng vào thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Riêng các xã vùng chiêm trũng từng bước phá thế độc canh cây lúa, chuyển mạnh sang nuôi trồng thuỷ sản.

        Trên cơ sở đó, nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện tạo “điểm nhấn” trong nông nghiệp. Hàng năm huyện đầu tư kinh phí hàng trăm triệu đồng xây dựng các mô hình trình diễn cây, con giống mới, biện pháp luân canh, hỗ trợ những mô hình sản xuất điểm để tuyên truyền nhân rộng. Đối với cây lương thực, nhiều giống lúa, ngô mới có tiềm năng năng suất cao được sản xuất đại trà như Khang Dân 18, Q5, ĐV 108, CP 999, HQ 2000... Nắm bắt nhu cầu thị trường ngày càng cao về các loại rau, củ, quả thực phẩm, các xã trong huyện đã tích cực chuyển diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng hành, tỏi, bí xanh, cải ngọt, khoai tây...

Toàn huyện hiện có gần 2000 ha đất canh tác cho thu nhập cao và 843 hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá của UBND huyện, hiện nay diện tích cây ăn quả của huyện đạt gần 10 nghìn ha, mỗi năm mang lại giá trị thu nhập khoảng 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mũi nhọn trong chăn nuôi tập trung vào các loại con đặc sản hoặc chất lượng cao như lợn hướng nạc, bò lai Sind, dê, ba ba... Tại các xã vùng trũng đã chuyển đổi được gần 300 ha đất cây lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản.  Với những cách làm trên, Lục Nam luôn là địa phương có thu nhập trên một héc-ta đất nông nghiệp cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

* Chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ

       Để hoàn thành mục tiêu giá trị thương mại dịch vụ tăng bình quân 12,9%/năm và chiếm 25% trong cơ cấu kinh tế của huyện vào năm 2010 nhiều chương trình, đề án đang được triển khai thực hiện có hiệu quả. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ trị giá hàng chục tỷ đồng đang được gấp rút thi công để nơi đây trở thành điểm đến cho du khách khi tới Bắc Giang. Ngoài ra với phương châm “đưa chợ ra tận ruộng, về gần dân hơn”, huyện đã xây dựng

đề án phát triển mạng lưới chợ nông thôn, trung tâm thương mại. Theo đó mỗi xã có ít nhất một khu đất làm nơi giao dịch thương mại không những khuyến khích lao động nông nghiệp chuyển sang kinh doanh mà còn tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận tiện, hiệu quả. Riêng xã Phương Sơn và Tam Dị là nơi tập trung đầu mối thu mua và vận chuyển tiêu thụ nông sản trong huyện đang triển khai xây dựng các trung tâm thương mại. Khảo sát ở xã Tam Dị cho thấy, toàn xã có gần 50 xe tải quy mô lớn hàng ngày len lỏi khắp các địa phương thu mua, vận chuyển hàng chục tấn nông sản đi Quảng Ninh, Lạng Sơn và các tỉnh miền Trung tiêu thụ. Khi trung tâm thương mại xây dựng xong sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ nông sản, kích cầu sản xuất cũng như tăng cường việc quản lý, thu ngân sách. Hiện nay trên địa bàn có hơn 2000 hộ kinh doanh cá thể và nhu cầu chuyển từ ngành nghề khác sang kinh doanh lớn, huyện có cơ chế tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh, miễn thuế trong thời gian đầu, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, câu lạc bộ và hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh.

      Phát triển công nghiệp-TTCN của Lục Nam cũng đang chuyển biến tích cực. Nhiều giải pháp thu hút đầu tư đang được thực hiện mạnh mẽ như  tuyên truyền vận động, quảng bá và thông tin xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, quy hoạch cụm công nghiệp-TTCN- dịch vụ với quy mô 13,6 ha tại thị trấn Đồi Ngô. Ngoài ra các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tuỳ theo quy mô và năng lực được hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng... Hiện nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn với nguồn vốn lớn như : Công ty giấy Mạnh Đạt, Xí nghiệp chế biến Nông sản Nghĩa Phương, Xí nghiệp gạch Cầu Sen. Nhiều ngành nghề nông thôn được khôi phục và mở rộng như nghề dệt, cơ khí nhỏ, sản xuất vật liệu xây dựng... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN trên địa bàn đạt gần 14 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Lục Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền,  tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức trong mỗi cán bộ và người dân; xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, (đặc biệt các lĩnh vực như chế biến nông- lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động); xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động, khôi phục các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao trách nhiệm, năng lực và trình độ của cán bộ chính quyền cơ sở;  huy động các nguồn lực tham gia phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ... đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá, tạo sự chuyển biến đồng bộ và hướng tới phát triển kinh tế bền vững vào những năm tiếp theo./.

Trung bình (0 Bình chọn)