Nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là việc sử dụng công nghệ cao trong hoạt động lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hướng đến an ninh trật tự, hoat động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.
 Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa (nguồn: baobacgiang.com.vn).

Phương thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Theo báo cáo từ ngành chức năng, từ tháng 5/2020 đến 5/2023, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận gần 500 tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chủ yếu là đầu tư bất động sản; giả danh, chạy việc, dự án; kêu gọi góp vốn đầu tư, kinh doanh, phát hành trái phiếu; giả mạo cán bộ cơ quan, tổ chức để lừa đảo;…

Gần đây, các đối tượng còn dùng thủ đoạn hách tài khoản mạng xã hội; lừa trúng thưởng, bán hàng qua mạng; tuyển dụng việc làm, cộng tác viên bán hàng; kết bạn tặng quà; góp vốn kinh doanh đa cấp, tiền ảo; vay qua APP. Không những vậy, các đối tượng còn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và tâm lý hám lợi của một số người dân để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền.

Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng này thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, căn cước công dân giả; thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú.

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phát triển KT-XH và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có lúc, có nơi còn chưa sâu rộng, kịp thời; người dân chưa được tiếp cận kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

Một bộ phận quần chúng Nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quy định pháp luật về một số lĩnh vực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng,… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót; phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện những dấu hiệu không bình thường, nghi vấn hoạt động phạm tội để thông báo đến cơ quan chức năng xử lý, giải quyết.

Nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi và đẩy mạnh; cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự chuyển dịch sang nền kinh tế số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng, nhiều hình thức giao dịch điện tử, trực tuyến được triển khai. Do đó, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động xuyên quốc gia, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì hậu quả thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng.

Chính vì thế, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện những dấu hiệu không bình thường, nghi vấn hoạt động phạm tội để thông báo đến cơ quan chức năng xử lý, giải quyết.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động thu thập, mua bán, phát tán, sử dụng trái phép dữ liệu, thông tin cá nhân, mua bán tài khoản ngân hàng, huy động vốn đầu tư tiền ảo, tuyển cộng tác viên online... Phối hợp tổ chức tốt công tác quản lý các nội dung quảng cáo, đăng bài về hoạt động cho vay trực tuyến trên không gian mạng, huy động vốn đầu tư tiền ảo, tuyển cộng tác viên online...

Theo Thượng tá Trần Huy Việt - Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang, người dân cần cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai. Không truy cập vào các đường link lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ; không chuyển tiền cho người lạ quen biết trên mạng; luôn xác thực với người nhận trước khi chuyển tiền bằng cách gọi điện thoại thông thường hoặc gặp mặt trực tiếp. Các cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo người dân cần liên hệ ngay với ngân hàng yêu cầu dừng mọi giao dịch đối với tài khoản của mình và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: CCCD, CMND, các giấy tờ tùy thân khác…; không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử; không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến; chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy. Thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiết bị cá nhân kết nối, truy cập các dịch vụ trên không gian mạng bằng các công cụ bảo mật, phần mềm diệt virus mạnh. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đánh giá, xác định những lĩnh vực, ngành nghề dễ phát sinh tội phạm lừa đảo, qua đó xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa phù hợp, đạt hiệu quả. Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ án sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội hoặc có yếu tố nước ngoài./.

Dương Thủy

Trung bình (0 Bình chọn)