Ngân hàng Thế giới: Việt Nam tăng trưởng cao, giảm tỷ lệ nghèo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Báo cáo cập nhật của Ngân hàng thế giới (WB) vừa nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định. Điều đặc biệt ấn tượng là kinh tế tăng trưởng đồng thời giảm được tỷ lệ đói nghèo.

Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (dự kiến diễn ra trong hai ngày 6 và 7-12), ông Ajay Chhibber, giám đốc WB tại Việt Nam nói: “Năm 2007 quả là một năm đáng ghi nhớ đối với Việt Nam khi đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục, lần đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế, vốn ODA được sử dụng tốt hơn các năm trước”.

Phân tích sâu hơn về nhận định này, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng WB, cho biết tăng trưởng Việt Nam rất tốt cả trong đầu tư và xuất khẩu. Ông nói: “Tăng trưởng tăng cùng với xuất khẩu đã làm tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế là một dấu hiệu rất đáng mừng. Vốn FDI đã thực hiện đạt 6,8% GDP, cao hơn cả Trung Quốc cho thấy những cải cách của Việt Nam đã phát huy hiệu quả ”.

Theo ông Martin Rama, nhập khẩu tăng khiến thâm hụt thương mại ở mức cao. Tuy nhiên, nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị như máy bay, thiết bị lọc dầu... phục vụ cho phát triển nên không đáng lo ngại. Mặt khác, nguồn ngoại hối chuyển về dự kiến đạt từ năm đến sáu tỷ USD nên sẽ giúp cân bằng được thâm hụt thương mại. Ông Martin Rama cho rằng, nợ nước ngoài của Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% GDP, với lãi suất thấp và không phải trả ngay nên rủi ro thấp.

Tuy nhiên, ông Martin Rama cảnh báo, lạm phát tăng cao, vượt ngưỡng 10%, trong đó chủ yếu là do các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao, một phần do giá dầu và giá đầu vào của một số nguyên liệu tăng. Thêm vào đó lũ lụt trong nước kéo dài cũng góp phần đẩy lạm phát.

Ông Martin Rama cũng lưu ý thị trường chứng khoán đã có bước tăng trưởng rất mạnh nhưng chưa bền vững, an toàn, “giống như người đi xe máy với tốc độ 200km/giờ mà không đội mũ bảo hiểm”. Tuy nhiên điều đáng mừng là nhà đầu tư đã thận trọng hơn, thị trường cũng đã có thêm nhiều cổ phiếu mới. Bình luận về xu thế hiện nay các tập đoàn kinh tế ngành thành lập các công ty tài chính nội bộ để cung cấp tài chính cho các công ty thành viên, ông Martin Rama nói: “Việc đa dạng hóa không có gì đáng lo ngại nếu dùng tiền vốn tự có, nhưng việc huy động tiền của công chúng và sử dụng đòi hỏi phải có năng lực quản lý”. Ông cũng cho rằng nếu xu thế này phát triển mạnh dễ làm mất khả năng của hệ thống ngân hàng.

Trung bình (0 Bình chọn)