Người đạt giải tài năng sáng tạo trẻ ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Một tin vui đến với tuổi trẻ Bắc Giang, đó là em Nguyễn Ngọc Châm, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lạng Giang số I vừa đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ” dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc lần II năm 2006.

Từ xưởng chế tạo rôbốt tại nhà

Chúng tôi đến nhà Châm tại xã Xương Lâm ngay sau khi biết em đoạt giải nhất trong cuộc thi “Sáng tạo trẻ” dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ II- 2006. Trong căn nhà mộc mạc thôn quê nhưng toát lên vẻ trí thức bởi cách sắp xếp đồ dùng khoa học. Có lẽ quý giá nhất trong ngôi nhà ấy là tủ sách cũ của gia đình. Ngoài ra, Châm còn được bố mẹ bố trí cho một gian làm xưởng chế tạo, nghiên cứu vật lý. Những dụng cụ vật lý, hoá học đều do em sưu tầm từ các thư viện, phòng thí nghiệm.

Ngày mới học tiểu học, Châm đã mượn ông nội cái đài cũ về tự khám phá các vi mạch điện tử, tụ điện…Em đã nhiều lần tháo lắp từng linh kiện của máy móc, đồ điện tử trong nhà chỉ để muốn biết từng bộ phận, chức năng của chúng. Khi bước vào học môn vật lý, em đã say mê với các định luật, công thức. Bất cứ một thí nghiệm nào được học trên lớp, Châm đều thích tự thực hành tại xưởng chế tạo ở nhà. Châm luôn tìm đến các cửa hàng sửa chữa xe máy để xem nguyên lý hoạt động của các loại động cơ phân kỳ. Bắt nguồn từ bộ phim khoa học viễn tưởng nói về một gia đình làm khoa học đã phóng con tàu vào vũ trụ để thử nghiệm, thế là khi mới học lớp 8, được học về dao động của con lắc, Châm đã có ý nghĩ chế tạo rôbốt. Em đã tự làm mô hình rôbốt bằng xốp, sau đó triển khai chế tạo từ nhôm, thép.

Sản phẩm rôbôt đầu tay của Châm là những đồ chơi tự tạo theo các mô hình người máy siêu nhân. Lúc đầu, em tự vẽ kết cấu mô hình bằng tay, tốn rất nhiều công sức.  Sau này học lên cao, được học sâu về các môn khoa học cơ bản nên Châm đã có nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học lý thú hơn.

 

Đến hành trình đoạt giải quốc gia         

Năm 2005, Tỉnh Đoàn thanh niên phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo Bắc Giang  tổ chức cuộc thi “Sáng tạo trẻ” dành cho thanh, thiếu nhi lần thứ I, Châm đã hăm hở tham gia. Em dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn ý tưởng, sản phẩm dự thi. Một ý nghĩ loé lên trong đầu cần giúp đỡ người tàn tật, Châm đã mang sản phẩm: “Rôbốt Jupiter nhặt đồ vật cho người khuyết tật” đến với cuộc thi. Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức cấp tỉnh đã chọn sản phẩm này đem dự thi toàn quốc. Lần ấy, Châm đã vinh dự dành giải 3. Lần đầu tiên được hoà mình vào sân chơi lớn, Châm quyết hẹn với các bạn sẽ gặp nhau với thành tích cao hơn tại cuộc thi lần sau. Về nhà nung nấu bao ý tưởng hấp dẫn nhưng để thực hiện được bằng sản phẩm thực tế, Châm đã phải lao tâm, khổ tứ tìm tòi, phát triển ý tưởng theo trình tự khoa học, có kế thừa và sáng tạo từ các sản phẩm rôbốt trước.

Xuất phát từ các giờ thực hành hoá học trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với nhiều loại hoá chất độc hại, đồng thời trong quá trình tiến hành thí nghiệm còn có độ chính xác chưa cao, Châm đã đề xuất ý tưởng: chế tạo rôbốt ứng dụng vào việc trợ giúp học sinh thực hành môn hoá học mà không cần tiếp xúc trực tiếp với các loại hoá chất và đạt hiệu quả cao hơn để các bạn hoàn thành tốt công việc học tập. Và sản phẩm “Mô hình rôbôt Jupiter thực hành hoá học” đã ra đời trên ý tưởng sáng tạo đó. Châm đã mang sản phẩm này dự thi “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ II-2006 vừa được Trung ương Đoàn thanh niên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Quỹ VIFOTEC tổ chức vào cuối tháng 8-2006 tại Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc thi, Châm đã thuyết trình thành công xuất sắc sản phẩm của mình. Sản phẩm của em có khả năng ứng dụng vào thực tế cao và đã vượt qua hàng trăm sản phẩm trí tuệ khác để vinh dự dành giải nhất cuộc thi.

Hiện nay, Nguyễn Ngọc Châm đang nỗ lực học tập để thi đỗ vào trường đại học khối kỹ thuật. Với lòng nhiệt tình và say mê khoa học, em  đang quyết tâm phấn đấu để được tham gia vào cuộc thi sáng tạo Rôbôt dành cho sinh viên./.
Trung bình (0 Bình chọn)