Người đưa cây gấc lai về làng.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tại một cuộc hội thảo do Hội Làm vườn tỉnh tổ chức, có một người đàn ông say sưa thuyết trình về cây gấc lai đã gây sự chú ý của nhiều đại biểu. Ông chính là Trần Sỹ Quảng ở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) - người đầu tiên của tỉnh đưa giống

 

Ông Quảng vốn là cán bộ công tác ở Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc đã nghỉ hưu.  Ông cũng là một cựu chiến binh đã từng vào sinh, ra tử ở chiến trường B. Trong một lần về thăm chiến trường cũ, ông thực sự ngạc nhiên khi thấy có một phái đoàn quân sự Mỹ rất quan tâm đến cây gấc, họ nhổ rất nhiều gấc đem về. Sau này khi nghiên cứu sách báo và thông qua nhiều tài liệu ông mới vỡ lẽ rằng gấc là nguồn nguyên liệu rất quý dùng để điều chế thuốc chữa các bệnh liên quan đến chất độc da cam. Đối với người dân Việt Nam, gấc là cây trồng rất quen thuộc nhưng nhiều gia đình chỉ coi là cây trồng phụ làm hàng rào, lấy bóng mát hoặc dùng làm nguyên liệu nấu xôi. Ông Quảng nhận thấy trồng gấc có thể là cơ hội nhằm giúp bà con quê mình cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập.

Nghĩ là làm, ông đã không quản ngại khó khăn nhiều lần “khăn gói” ra Hà Nội tìm đến các địa chỉ có nhu cầu thu mua gấc. Qua tìm hiểu ông đã trực tiếp ký hợp đồng thu mua gấc với một Công ty chế biến dầu thực vật với số lượng không hạn chế. Thế nhưng điều khó nhất đối với ông là Công ty chỉ thu mua giống gấc ngoại (giống gấc lai của Mỹ, Canada, CH Séc…) vì cho tỷ lệ long (cùi) cao, chất lượng tốt. Sau bao đêm suy nghĩ, ông lại tiếp tục ra Hà Nội một mặt thuyết phục Công ty muốn có gấc lai thì bước đầu phải thu mua giống gấc cỏ (gấc ta) cho nông dân để bà con làm quen với cách thức trồng gấc thâm canh. Mặt khác ông âm thầm nhận hạt giống gấc lai do phía đối tác cung cấp để gieo ươm thử nghiệm ngay trong vườn nhà. Những tháng ngày chờ đợi hạt nảy mầm là quãng thời gian dài dằng dặc đối với ông. Thế rồi, một ngày kia, những hạt gấc đã nảy những mầm non. Vậy là đã thành công bước đầu. Thời gian trôi qua, những cây gấc lai giống đã đủ cứng cáp, khoẻ mạnh để có thể tách khỏi vườn ươm. Vụ gấc đầu tiên năm 2006, ông cung ứng ra thị trường 3 vạn cây giống với giá 3000đồng/ cây tại vườn ươm; 4000đồng/cây đến tận vườn cho bà con đến hầu hết các huyện trong tỉnh, đi kèm với cây giống là phân vi sinh được chính ông điều chế theo công nghệ mới chuyên dùng để chăm bón gấc. Khi chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và cây giống đồng thời ông cũng ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm trong 3 năm liền. Ngoài ra, ông vừa ký kết hợp đồng cung ứng bước đầu khoảng 1,5 vạn cây giống cho hội nông dân, hội làm vườn các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

Gấc lai có những ưu điểm nổi bật như: long dày, ruột đỏ tím, sản lượng trung bình cao gấp 3 lần so với gấc ta. Năm đầu tiên một gốc gấc lai cho thu từ 1,5 đến 2 tạ quả và năng suất cao dần vào những năm sau, gấc có tuổi thọ khoảng 20 năm (trung bình mỗi sào gấc lai trồng từ 18-20 gốc). Nhiều gia đình trong xã Quảng Minh trồng gấc ngoài đồng cũng cho hiệu quả rất cao.  Ông Quảng cho biết: trong quá trình nghiên cứu thời gian sinh trưởng và phát triển của cây gấc, ông đã phát hiện  trồng gấc có thể xen trồng su su dưới tán cây ăn quả để khi hết vụ gấc cũng là lúc su su đủ lớn tận dụng giàn leo rất phù hợp. Kinh nghiệm này, ông cũng đã phổ biến cho nhiều người đến mua cây giống. Vụ gấc vừa qua, bên cạnh số gấc lai đã ký theo hợp đồng, ông đã thu mua của bà con trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn gấc cỏ với giá từ 1500 đến 2000đồng/kg.

Được biết, năm 2007, thông qua các công ty chế biến xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh, hợp đồng cung cấp gấc cho phía đối tác không phải là con số vài trăm tấn mà với số lượng hàng nghìn tấn. Hy vọng với những tấm gương dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học mới ở nông thôn như ông Quảng, sẽ góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá ở Bắc Giang./.

Trung bình (0 Bình chọn)