Những nông dân ít đất vẫn giàu.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Quá trình đô thị hoá diễn ra và việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp khiến quỹ đất sản xuất của nhiều hộ nông dân còn ít. Khi không có cơ hội chuyển nghề, nhiều hộ đã năng động thâm canh tăng vụ, mạnh dạn thuê đất sản xuất hoặc mở thêm dịch vụ để làm g

Mươi năm trước, thị trấn Đồi Ngô được thành lập và xây dựng thành trung tâm huyện Lục Nam. Cũng từ đấy, nhiều khu đất “bờ xôi ruộng mật” được quy hoạch và xây dựng các công trình phúc lợi, khu dân cư mới. Hàng trăm nông dân vốn đã ít đất sản xuất nông nghiệp nay càng khó khăn hơn, nhiều gia đình trả lại cho Nhà nước 80-90% diện tích đất nông nghiệp. Cũng trong hoàn cảnh đó, hộ bà Dương Thị Lợi ở thôn Hai Mươi chỉ còn chưa đầy 4 sào ruộng khoán. Không có nghề phụ nên cuộc sống của gia đình 5 lao động trông vào quỹ đất ít ỏi này. Chẳng chịu dừng bước trước khó khăn, gia đình bà Lợi quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình. Thấy nhiều loại nông sản trái mùa hoặc “độc đắc” ở phố huyện thường đắt giá, bà đã tìm đọc sách báo, xuống tận vùng chuyên rau Thái Đào (Lạng Giang) học kinh nghiệm trồng. Để mở rộng diện tích gieo trồng hàng năm, bà tích cực thâm canh tăng vụ, áp dụng kỹ thuật trồng xen, trồng gối nhiều loại cây trồng. Trên mấy sào ruộng khoán chưa bao giờ trống đất, cây lúa chỉ là phụ trong cơ cấu các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao là dưa hấu Hắc Mỹ nhân, hành hoa, rau cải ngọt Nhật, bí xanh Trung Quốc, bắp cải tím, hoa... Bà Lợi bảo: “Làm ruộng bây giờ phải tính kỹ, dùng kỹ thuật cao trồng rau trái vụ, tìm hiểu khẩu vị người ăn để làm chứ cứ theo phong trào thì khó có thu nhập cao”. Chẳng thế mà trên sào đất vừa thu hoạch lứa bắp cải tím ở vụ xuân đã kịp đưa cây dưa hấu ươm trong bầu xuống trồng để kịp hái quả vào đầu hè cho được giá. Trong lúc chờ xuống giống vụ cà chua sớm gia đình đã bổ sung lứa cải ngọt giữa hè, rồi chuẩn bị giống hoa trồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp ít nhưng với gia đình bà hiếm có ngày nông nhàn, nông sản luôn được giá cho thu nhập 7-9 triệu đồng/sào/năm. Mỗi năm, mấy sào ruộng khoán cùng với chăn thêm lứa lợn, gà đã cho gia đình gần hơn 40 triệu đồng. Số tiền ấy không những bảo đảm được cuộc sống mà còn dành dụm xây được nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Đặc biệt mấy sào ruộng khoán còn nuôi 2 con lớn của gia đình đang học đại học...

Cũng giống như bà Lợi, bước khởi đầu của gia đình ông Nguyễn Văn Long ở xã Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang) còn khó khăn hơn. Gần như toàn bộ diện tích đất canh tác đều thuộc diện thu hồi để phát triển cụm công nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. Không còn đất sản xuất nông nghiệp trong khi cơ hội chuyển nghề chưa có, ông Long mạnh dạn nhận thầu hơn 2 mẫu đầm hoang ở thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến (Yên Dũng) để phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp, trồng cây ăn quả. Nhờ có chút vốn ban đầu là tiền hỗ trợ đền bù đất, ông quy hoạch ao nuôi cá, trồng cây ăn quả trên bờ bao, xây dựng trại nuôi gia cầm, lợn, lò ấp trứng gia cầm. Để tránh rủi ro do dịch bệnh, đàn gia súc, gia cầm luôn được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh thường xuyên. Đặc biệt, do nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường nên thời điểm nuôi, vỗ béo, xuất bán gia cầm, lợn đều được tính toán để được giá cao nhất. Ông  Long cho biết: sau mỗi đợt dịch, hay dịp lễ tết, giá thịt, cá thương phẩm, gia cầm giống đều đắt nên mình phải chọn thời điểm nuôi, xuất chuồng hợp lý. Thức ăn chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành nên phải tiết kiệm, biết chế biến thức bổ sung để giảm chi phí mới có hiệu quả cao. Do mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lớn, có kỹ thuật và cách tính toán hợp lý nên trang trại chăn nuôi tổng hợp mỗi năm cho thu hơn 100 triệu đồng. Gia đình ông Long đã có công việc ổn định, thu nhập cao.

Còn ông Dương Văn Nguyễn ở thôn Nội, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng bị thu hồi đất cho Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng lại làm giàu theo cách khác. Ngoài mấy sào đất canh tác bảo đảm nguồn lương thực cho gia đình, phần tiền đền bù thu hồi đất được bổ sung mua phương tiện chuyên làm dịch vụ vận tải cho bà con trong vùng. Hễ người nào có nhu cầu từ vận chuyển đất, vật liệu xây dựng đến các loại nông sản đều được ông sẵn sàng nhận việc không ngại khó khăn, vất vả. Dù không có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp nhưng với mấy sào đất canh tác và dịch vụ hiện tại không những ổn định cuộc sống gia đình mà còn xây dựng được nhà kiên cố, trang bị nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại.

Khi đất nông nghiệp thu hẹp dần cũng lúc nông dân phải đối mặt với những khó khăn, thử thách mới. Không phải bất cứ ai cũng may mắn tìm được việc làm tại các khu, cụm công nghiệp hoặc dễ dàng chuyển nghề từ nông nghiệp. Đáng trân trọng là bằng sự sáng tạo trong cách làm, cần cù lao động, nhạy bén với thương trường mà trên khắp các miền quê đã xuất hiện những nông dân ít đất vẫn giàu. Đặc biệt, các cấp hội nông dân đã “vào cuộc”, tích cực giúp đỡ hội viên như đào tạo nghề, hướng nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với nông hộ vùng đô thị hoá, ven khu công nghiệp. Nhiều hội viên đã chủ động vượt khó vươn lên khẳng định hướng phát triển kinh tế có hiệu quả. Những nhân tố này đang từng bước được tuyên truyền nhân rộng...

Dù trên bước đường làm giàu còn lắm gian nan do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, dịch bệnh ở vật nuôi luôn rình rập, chưa thực sự có được sự gắn kết giữa khâu sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, nhưng những mô hình ít đất vẫn giàu này đã phần nào khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Giang./.

Trung bình (0 Bình chọn)