Tài nguyên khoáng sản

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khái quát chung tiềm năng tài nguyên khoáng sản và điều kiện khai thác mỏ tỉnh Bắc Giang

Tiềm năng khoáng sản tỉnh Bắc Giang nói chung không lớn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã điều tra, phát hiện được một số mỏ và điểm mỏ khoáng sản của 15 loại khoáng sản gồm các loại: năng lượng, kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng thông thường. Nhiều loại có giá trị thương mại cao, có tiềm năng như than (dự báo trữ lượng trên 113,5 triệu tấn); các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trữ lượng khá lớn, phân bố khắp nơi trong tỉnh, thuận lợi cho việc khai thác, chế biến phục vụ cho xây dựng công nghiệp, dân dụng, giao thông như: sét, gạch, ngói (dự báo trữ lượng 365 triệu m3), cát sỏi, đất san lấp; khoáng sản có triển vọng và phân bố chủ yếu các huyện miền núi như: quặng đồng, vàng, chì, kẽm.

Khoáng sản nhiên liệu (than): Phân bố chủ yếu tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn. Trữ lượng khoảng 113,582 triệu tấn, than có chất lượng trung bình đến thấp. Hiện nay các mỏ được cấp giấy phép khai thác gồm: Đồng Rì, Bố Hạ, An Châu, Đông Nam Chũ, Thanh Sơn, Nước Vàng.

Khoáng sản kim loại: Có quặng sắt, quặng đồng, chì, kẽm, vàng, thủy ngân. Trong đó:

+ Quặng sắt: có 01 mỏ tại khu vực xã Xuân Lương, huyện Yên Thế trữ lượng 0,503 triệu tấn, mỏ có quy mô nhỏ, chất lượng thấp, hiện mỏ đã cấp phép khai thác.

+ Chì - kẽm: có 4 điểm mỏ nhỏ, phân bố tại các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Sơn Động. Các điểm mỏ có hàm lượng quặng nghèo. Hiện đã cấp phép 01 điểm mỏ Hoa Lý, huyện Sơn Động, 03 mỏ còn lại chưa được đánh giá, xác định trữ lượng (gồm điểm quặng Làng Lát, Dĩnh Bạn, Mỏ Trạng).

+ Vàng: có 3 điểm sa khoáng, 2 điểm vàng gốc, phân bố tại huyện Yên Thế và huyện Lục Ngạn, hiện các điểm vàng chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng, chưa cấp phép.

+ Thủy ngân: Có 1 điểm Văn Non thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam.

+ Quặng đồng: Phân bố rải rác trên địa bàn huyện Lục Ngạn và Sơn Động với khoảng 200 vị trí có khoáng hóa. Nhìn chung, quặng đồng có hàm lượng nghèo, quy mô nhỏ, chỉ phù hợp phát triển công nghiệp địa phương.

Khoáng chất công nghiệp: Có các khoáng sản như: barit, kaolin, than bùn, felspat.

Cụ thể:

+ Khoáng sản barit: Tập trung tại các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế (các mỏ Lang Cao, Núi Ri - Núi Dành, Núi Chùa - huyện Tân Yên, Ngọc Sơn- huyện Hiệp Hoà, Mỏ Trạng - huyện Yên Thế). Các mỏ Lang Cao, Núi Chùa, Núi Rì - Núi Dành đã được thăm dò và đánh giá trữ lượng, với tổng trữ lượng 567 ngàn tấn; điểm Ngọc Sơn và Mỏ Trạng chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng. Nhìn chung các mỏ có quy mô nhỏ, chất lượng trung bình, có thể khai thác phục vụ công nghiệp địa phương. Hiện có 01 mỏ Lang Cao đã được cấp phép khai thác.

+ Kaolin: có 01 điểm mỏ tại ở xã Trí Yên - huyện Yên Dũng, mỏ đã được khảo sát sơ bộ, xác định trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 13 triệu m 3, chưa cấp phép khai thác.

+ Than bùn: có 02 mỏ tại huyện Việt Yên và huyện Lục Nam, trữ lượng 168,5 ngàn tấn, hiện chưa cấp phép. Các mỏ than bùn chủ yếu nằm ở các vùng đất trồng lúa, vì vậy không có khả năng khai thác.

+ Felspat: có 01 điểm mỏ tại Ngọc Sơn - Hiệp Hòa, trữ lượng 591,5 ngàn tấn, hiện chưa cấp phép. Chất lượng xấu, chỉ có thể khai thác, chế biến phục vụ cho sản xuất gạch ceramic.

+ Sét gốm: Có 1 mỏ sét gốm Lương Phong (Hiệp Hòa) trữ lượng nhỏ, không có triển vọng khai thác công nghiệp. Tổng trữ lượng sét gốm mỏ Lương Phong (C1+C2) là 313 nghìn tấn, mỏ chưa được cấp phép.

+ Sét chịu lửa: Có 2 điểm mỏ là Thượng Lát - huyện Việt Yên và Phố Thắng - huyện Hiệp Hòa, tổng trữ lượng là 342,878 ngàn tấn, chất lượng không cao, hiện nay chưa cấp phép.

Khoáng sản vật liệu xây dựng: Gồm sét, gạch, ngói, cát, cuội, sỏi, đá xây dựng, sét gốm, sét chịu lửa được phân bố rải đều trên các huyện. Cụ thể:

+ Sét gạch ngói: có 132 mỏ và điểm mỏ đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác giai đoạn đến năm 2020, với trữ lượng tài nguyên là 85,49 triệu m 3, đã cấp 04 giấy phép. Sét gạch ngói trên địa bàn tỉnh phân bố rộng, trữ lượng lớn, có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất gạch ngói.

+ Cát, cuội, sỏi xây dựng: 4 mỏ cát xây dựng và 51 bãi cát sỏi lòng sông thuộc sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo trên 100 triệu m3, đã cấp 12 giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông. Cát, sỏi có chất lượng tương đối tốt, có thể làm vật liệu cho sản xuất bê tông, hồ, vữa.

+ Đá vật liệu xây dựng: Có 02 mỏ (mỏ Xóm Dõng, xã An Lạc - huyện Sơn Động dự báo khoảng 5 triệu m3 và mỏ Lục Sơn - huyện Lục Nam trữ lượng trên 10 triệu m3), Các mỏ đá của tỉnh có chất lượng thấp, chỉ phù hợp cho việc khai thác cho nhu cầu làm vật liệu xây dựng, làm đường, thủy lợi.

+ Đất, đá san lấp mặt bằng: Trên địa bàn tỉnh có 50 khu vực đất có thể đưa vào làm vật liệu san lấp mặt bằng trong giai đoạn 2013-2020, với tổng diện tích là 349,3 ha, tài nguyên dự báo trên 26.326.000 m3./.

BGP

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)