Tăng cường công tác phối hợp trong xử lý nợ xấu

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 28/3, tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đã có buổi làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 1763/KH-UBND về xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền.

Thực hiện Kế hoạch số 1763/KH-UBND ngày 15/7/2013 của UBND tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai nhiều biện pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đến công tác rà soát, phân loại nợ, bán nợ, xử lý bằng nguồn quỹ dự phòng rủi ro, khẩn trương đưa những vụ việc chây ỳ, khó đòi ra tòa; chủ động đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Do đó, tính đến thời điểm ngày 31/12/2015, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn là hơn 22,8 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn 252,3 tỷ đồng. Các đơn vị có tỷ lệ nợ xấu cao như: Oceanbank Bắc Giang là 46,9%; Liên Việt Postbank là 10,2%; DongAbank Bắc Giang là 9,5%; Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Việt Ngọc (Tân Yên) 2,76%; QTDND Lam Cốt (Tân Yên) 1,67%;... Có 8/20 QTDND không có nợ xấu như QTDND xã Tân Dĩnh, Thái Đào, Xương Lâm (huyện Lạng Giang); Lan Mẫu (Lục Nam), Tân An (Yên Dũng)…

Tại buổi làm việc, phân tích về nguyên nhân dẫn đến tồn tại nợ xấu của các TCTD, các đại biểu cho rằng do xuất phát từ phía khách hàng vay vốn đến thời hạn trả không chịu phối hợp, cố tình chây ỳ, gây khó khăn cho các ngân hàng. Mặt khác, trong quá trình thi hành án, các cơ quan thi hành án còn chậm kê biên, xử lý tài sản để tổ chức bán đấu giá theo quy định. Ngoài ra, nợ xấu còn xuất phát từ khó khăn trong quá trình phát mại tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp vay vốn của khách hàng; do vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật trong việc thực hiện thủ tục mua bán, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm là bất động sản nên gây khó khăn cho các TCTD trong quá trình thu hồi nợ xấu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, để xử lý tốt nợ xấu, thời gian tới, các sở, ngành phải tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh về các giải pháp để thu hồi, xử lý nợ xấu. Các TCTD khi triển khai các biện pháp kinh doanh cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không vì lợi nhuận mà kinh doanh lách luật, dẫn đến rủi ro, nợ xấu khó đòi. Khi triển khai các giải pháp kinh doanh, các TCTD trên địa bàn cũng cần chú ý đến các biện pháp dự phòng rủi ro như: Quan tâm đến thẩm định tính khả thi của dự án; thẩm định tài sản đảm bảo; các điều khoản trong hợp đồng cho vay phải có tính thuyết phục…

Đối với nợ xấu có nguyên nhân xuất phát từ phía khách hàng, các TCTD trên địa bàn cần chủ động phối hợp với các sở, ngành tiến hành phân loại nợ; định kỳ tổng hợp  báo cáo các trường hợp nợ xấu đặc biệt với UBND tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời. Các cơ quan pháp luật, Cục Thi hành án tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các bản án đã có hiệu lực để giúp đỡ các TCTD trong việc thu hồi nợ xấu./.

Trung bình (0 Bình chọn)