Thời cơ cho doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Một trong những thành quả lớn lao mà Đảng, nhà nước ta đạt được sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước là xóa bỏ phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu tự cung, tự cấp xây dựng nền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, năng xuất cao và hướng ra xuất khẩu... Tuy nhiên, phương thức sản xuất đó có vẻ đang quay trở lại và trở thành “mốt thời thượng” hiện nay trong vấn đề sản xuất thực phẩm.
Điểm bán rau sạch, an toàn tại chợ Hà Vị (thành phố Bắc Giang) đã triển khai nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Ảnh: BGP/Nguyễn An.

Mô hình mới hay sự thụt lùi của nền nông nghiệp?

Câu chuyện “lợn nuôi 2 chuồng”, “rau trồng hai khoảnh” không còn là điều khó hiểu. Một phần nuôi, trồng theo phương thức tự cấp, tự túc để phục vụ gia đình, phần còn lại nuôi, trồng “đại trà” và chỉ để... bán. Hệ lụy mất an toàn thực phẩm cũng từ đây mà ra.

Người tiêu dùng hoang mang với vấn đề mất an toàn thực phẩm. “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết”, cách đối phó hữu hiệu nhất của người tiêu dùng là tự cứu lấy mình. Hàng loạt các “mô hình mới” trong canh tác rau quả, thực phẩm ra đời.

Ở nông thôn, hầu như gia đình nào cũng dành đất tự trồng lấy một khoảnh rau, nuôi con gà, con lợn để phục vụ nhu cầu của gia đình.

Ở thành thị, từ sân thượng nhà cao tầng, vỉa hè, đất công cộng đều được tận dụng để trồng rau. Thậm chí có gia đình ở ngay giữa lòng thành phố, xây nhà 4 tầng, để riêng 1 tầng để nuôi lợn, trồng rau tạo thành “chuỗi khép kín”. Dân thành phố tỏ ra hãnh diện vì mình tạo lập được một “vườn rau xanh trên cao” và được tiếng là hào phóng khi có món “quà rau” gửi biếu người thân, bạn bè!? Có thể nói, chưa bao giờ phong trào “nông thôn hóa thành thị” lại mạnh mẽ như hiện nay.

Nguyên do là bởi thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng không còn biết tin vào đâu. Một bộ phận không nhỏ người sản xuất, tư thương chạy theo lợi nhuận bất chấp các thủ đoạn miễn sao thu lợi về mình càng nhiều càng tốt, không thèm đếm xỉa đến lợi ích, sức khỏe cộng đồng. Mặc dù họ thừa biết, những hóa chất đưa vào các sản phẩm chăn nuôi, thực phẩm là nguy hại đối với sức khỏe con người.

Thực phẩm bẩn đã len lỏi khắp nơi từ chốn thành thị đến nông thôn; từ chợ cóc làng quê cho đến các bếp ăn tập thể... Thậm chí cả đến siêu thị - nơi được coi là chốt chặn cuối cùng cho niềm tin đối với người tiêu dùng thì cũng bị bỏ ngỏ.

Mô hình "vườn rau gia đình" xuất hiện ở cả thành thị đến nông thôn để đối phó với mất an toàn thực phẩm.
Ảnh: BGP/Nguyễn An.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2015, cả nước có 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Theo báo cáo này, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 2,6 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế con số trên có thể còn cao hơn thế.

Nếu theo xu thế này, những sản phẩm rau quả tại những vùng chuyên canh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính người tiêu dùng trong nước tẩy chay nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy câu chuyện về cơ hội gia nhập TPP để đưa nông sản Việt vào cạnh tranh ở sân chơi lớn trở nên hết sức khó khăn và xa vời. Trong khi đó, hiện nay, các quốc gia láng giềng đã và đang có có kế hoạch và hành động cụ thể, ráo riết chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, trong đó có rất nhiều nông sản ngoại tương tự lại chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước.

Phải thừa nhận những thành quả mà nền nông nghiệp hiện nay của chúng ta đạt được là vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc mất kiểm soát trong vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đang là hiểm họa tàn phá, nhấn chìm những thành quả mà chúng ta đã đạt được. Việc nông sản Việt thua trắng ngay trên sân nhà không chỉ còn là nguy cơ mơ hồ mà nó đang hiển hiện ngay trước mắt.

Thời cơ cho doanh nghiệp

Câu chuyện kinh doanh của Apple, hay thịt bò Kô-bê và nhiều thương hiệu mạnh cho chúng ta bài học về việc gây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu. Trước hết phải tạo dựng lòng tin nơi khách hàng đối với sản phẩm của mình thông qua chất lượng, sự khác biệt; thứ hai phải tạo ra một xu hướng, trào lưu của người tiêu dùng...

Trở lại vấn đề thực phẩm an toàn. Thực tế hiện nay, yếu tố xu hướng, trào lưu sử dụng thực phẩm an toàn đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi bức thiết. Vấn đề còn lại là gây dựng lòng tin. Để làm được điều này, yếu tố minh bạch, trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Nó phải được thực hiện ở các khâu, các bước trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Từ trước đến nay, không có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bởi tính rủi ro và lợi nhuận thu về chậm, lãi suất thấp. Ngay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trước đây đã có một vài doanh nghiệp, hợp tác xã đã triển khai mô hình sản xuất rau quả, thực phẩm an toàn theo chuỗi khép kín, nhưng đến nay hầu hết không hiệu quả, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến là công tác tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm đối với người tiêu dùng chưa được chú trọng đúng mức; nguồn hàng cung cấp không ổn định; khâu quản lý, điều hành, phân phối thiếu chuyên nghiệp, không hiệu quả... Do đó, chưa tạo được niềm tin cũng như chưa hình thành một trào lưu, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước thực trạng ngày càng gia tăng về những vụ ngộ độc thực phẩm; những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm sử dụng chất cấm đưa vào cây trồng, vật nuôi làm hoang mang người tiêu dùng, nhu cầu về sử dụng thực phẩm an toàn trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Do đó, đây chính là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và thực phẩm nói riêng.

Tuy nhiên, để gây dựng được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và rộng đường xuất khẩu không có con đường nào khác là phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Phải “khép kín” và bảo đảm công khai, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Thực phẩm an toàn được người tiêu dùng hồ hởi chào đón. Ảnh: BGP/Phương Nhung. 

Cùng với đó, thông qua tuyên truyền, cần thay đổi quan niệm của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm sạch. Xưa nay, người dân vẫn quan niệm “rẻ như mớ rau”. Nhưng tại các thành phố lớn và những quốc gia phát triển, rau quả không hề rẻ, thậm chí rau quả an toàn còn đắt hơn thịt. Bởi để sản xuất ra những thực phẩm an toàn đòi hỏi nhà sản xuất phải thực hiện đầy đủ các quy trình từ xử lý môi trường, đất, nước, vật tư, thiết bị, chăm sóc... hết sức khắt khe. Do đó mà giá thành của thực phẩm an toàn không thể rẻ như thực phẩm trôi nổi trên thị trường.

Theo ông Tô Hiến Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi Trường Thành, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa cho biết: “Từ năm 2015, Hợp tác xã đã tiến hành đầu tư chăn nuôi lợn và cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả các sản phẩm đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình chăn nuôi VietGAP, đã được cơ quan chức năng thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn. Giá của thịt lợn nuôi theo quy trình trên luôn cao hơn khoảng 15-20% so với thịt lợn thông thường, tuy nhiên người tiêu dùng vui vẻ chấp nhận bởi họ hoàn toàn yên tâm vào chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Với sản lượng cung cấp ra thị trường hiện nay của Hợp tác xã đạt 25-30 tấn thịt lợn VietGap/tháng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn huyện. Mặc dù mới khai trương một điểm giao dịch tại thị trấn Thắng vào ngày 15/5/2016, nhưng Hợp tác xã đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội, Bắc Ninh. Trước nhu cầu trên, Hợp tác xã đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng sản lượng lên khoảng 600 tấn/năm vào năm tới...

Bắc Giang cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 1 giờ ô tô chạy – đây là một thị trường lớn, giàu tiềm năng. Giao thông thuận lợi, cùng với quỹ đất nông nghiệp khoảng 123 nghìn ha, nguồn nhân lực dồi dào, có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời. Và đặc biệt, chính quyền tỉnh luôn nhất quán quan điểm coi nông nghiệp và công nghiệp là hai trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, tiếp cận thị trường... để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ cao, an toàn và hướng ra xuất khẩu. Đây là những điều kiện nền tảng hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Như vậy, một hướng đi mới đã mở ra cho sản xuất nông sản, thực phẩm. Kiểu làm ăn chộp giật, manh mún sẽ phải nhường chỗ cho phương thức làm việc bài bản, chuyên nghiệp, sử dụng hàm lượng trí tuệ cao. Đây là thời cơ cho những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược để gia nhập thị trường, chiếm lĩnh vị trí tiên phong trong phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vì an toàn sức khỏe cộng đồng./.

 

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)