Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và Phát triển doanh nghiệp ngày 14/5/2020

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Ngày 14/5/2020, tại Trụ sở UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái - Trưởng Ban chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và Phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có các Thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc, Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. Sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau:

Trong 4 tháng đầu năm 2020, kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được kết quả khả quan, cụ thể:

Đã cấp mới 47 dự án đầu tư (34 dự án trong nước, 13 dự án FDI), điều chỉnh vốn 20 dự án; tổng số vốn tăng thêm khoảng 600 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, tổng vốn đầu tư các dự án đầu tư trong nước tăng 7,9 lần; tổng vốn đầu tư các dự án FDI (đạt gần 440 triệu USD) bằng 94,8%, đứng thứ 9 cả nước (năm 2019 thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 6 cả nước).

Trách nhiệm, hiệu quả giải quyết công việc, chất lượng tham mưu của các cơ quan, đơn vị trong công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đã có sự cải thiện; các nhiệm vụ được giao tại phiên họp tháng 02/2020 đã được tập trung thực hiện và cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được tập trung triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế như:

Các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra; thiếu chuyên gia, lao động nước ngoài do quy định hạn chế nhập cảnh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn; số doanh nghiệp, HTX thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh, số lao động bị chấm dứt hợp đồng, ngừng việc tăng cao; các hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, ngân hàng, dịch vụ du lịch, vận tải cũng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tụt 4 bậc so với năm 2018. Bên cạnh các chỉ số thành phần tăng điểm, một số chỉ số thành phần giảm điểm mạnh như: chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” giảm 27 bậc đứng thứ 58/63 tỉnh thành; chỉ số “Chi phí thời gian” giảm 21 bậc, đứng thứ 47/63 tỉnh thành; chỉ số “chi phí không chính thức” giảm 9 bậc đứng thứ 38/63 tỉnh thành.

Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc Công văn số 1563/UBND-TH ngày 14/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, tham mưu đề xuất thiếu căn cứ, không có quan điểm,... còn diễn ra; công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực, chủ động trong công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các KCN,...

Trong thời gian tới, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục các hạn chế, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ chung:

1.1. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách, các gói hỗ trợ của Trung ương đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện các chính sách phải bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác; kiên quyết không để xảy ra việc lợi dụng chính sách để trục lợi, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hỗ trợ để đảm bảo hỗ trợ kinh phí đến các đối tượng một cách nhanh chóng và kịp thời.

1.2. Tiếp tục nắm chắc tình hình, triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trọng tâm là ngành Thuế, Ngân hàng, bảo hiểm (hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm lãi vay; thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn thuế, bảo hiểm); hỗ trợ giải quyết vướng mắc về lao động,...

1.3. Tập trung các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở ngành, địa phương (DDCI); yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị phân tích từng chỉ số, chỉ tiêu thành phần bị giảm điểm, tụt bậc, xếp thứ hạng thấp, nhất là các chỉ số, chỉ tiêu thành phần quan trọng liên quan đến đơn vị mình; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và đề ra các biện pháp khắc phục trong năm tới; xây dựng báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/5/2020. Trên cơ sở báo cáo của các Sở, ngành, đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị theo từng nhóm đối tượng cụ thể để tập huấn.

1.4. Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các dự án lớn trên địa bàn. Xác định quan điểm, thái độ làm việc rõ ràng đối với doanh nghiệp: xử lý nghiêm các vi phạm; song luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

1.5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh việc đấu thầu, đấu giá thực hiện các dự án trên nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Các cơ quan nhà nước phải tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh và kịp thời hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thành lập Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận các thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về các khó khăn, vướng mắc, các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, các kiến nghị, đề xuất, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Nhiệm vụ cụ thể:

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phân tích kỹ các chỉ số, chỉ tiêu thành phần PCI năm 2019; tổng hợp báo cáo, đề xuất của các ngành, địa phương, đơn vị, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan đối với các chỉ tiêu giảm điểm, tụt bậc, xếp thứ hạng thấp theo Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh về nâng cao Năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 và các năm tiếp theo của tỉnh Bắc Giang; đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/6/2020.

- Chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo ứng phó với tác động của dịch Covid-19 (thành lập theo Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 28/4/2020) nắm chắc tình hình, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn.

- Rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư ngoài KCN đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các dự án, xác định những vấn đề tồn tại, bất cập, khó khăn vướng mắc để có hướng hỗ trợ giải quyết hoặc tham mưu xử lý; đối với các dự án chậm tiến độ các hạng mục so với quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư nhưng tổng thời gian chưa quá hạn, các Sở, ngành linh hoạt giải quyết việc giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, ...; kiên quyết thu hồi hoặc tham mưu thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện bất cứ nội dung gì theo quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Nghiên cứu, rà soát lại quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; tập trung cải thiện nâng cao chất lượng công tác thẩm định, rà soát lại và đề xuất thời gian thẩm định dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đảm bảo mục tiêu chất lượng, hiệu quả, đúng hạn.

- Tập trung tham mưu xử lý dứt điểm các vướng mắc trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại các dự án bãi tập kết cát sỏi ven sông.

2.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị chuyên môn thuộc Sở, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ (Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, ...); tuyệt đối không để hồ sơ tồn đọng hoặc trả đi, trả lại nhiều lần, gây bức xúc cho các nhà đầu tư; phải nắm chắc chính sách, thông thoáng trong cách giải quyết công việc.

- Chỉ đạo Tổ giúp việc hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng xây dựng kế hoạch hoạt động và thực hiện hỗ trợ các nhà đầu tư (các dự án quy mô lớn) trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thuê đất thực hiện dự án; tại mỗi kỳ họp Tổ giúp việc phải có báo cáo tình hình thực hiện, phản ánh của doanh nghiệp và đề xuất với Ban chỉ đạo những vấn đề vướng mắc cần giải quyết.

- Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 21/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý dứt điểm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, dự án bị phát mại tài sản.

2.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ động đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục lao động theo quy định của pháp luật; ưu tiên giải quyết kịp thời các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề lao động; có văn bản hướng dẫn chung và triển khai đến các doanh nghiệp, làm rõ những trường hợp đủ điều kiện, không đủ điều kiện được gia hạn (tránh việc doanh nghiệp phải chờ đợi).

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện tốt việc chấp hành các quy định về chế độ bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu nguồn lao động; nâng cao hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề theo định hướng và nhu cầu của thị trường lao động; Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong việc tuyển dụng lao động.

2.4. Sở Xây dựng:

Rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án nhà ở công nhân, đôn đốc các Chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân đẩy nhanh tiến độ thực hiện (dự án Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Vương Vĩ, dự án Khu dân cư của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, dự án Nhà ở công nhân của Công ty TNHH FuGiang, ...).

2.5. Ban Quản lý các KCN:

- Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ GPMB và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (Hòa Phú, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng) để phục vụ công tác thu hút đầu tư; sớm hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Việt Hàn.

- Nắm chắc tình hình thực hiện các dự án, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN để hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, cũng như ngăn chặn và xử lý các sai phạm.

- Nắm chắc tình hình an ninh trật tự, có cơ chế tiếp nhận thông tin và phản ánh kịp thời về tình hình an ninh trật tự trong các KCN; phối hợp với UBND huyện Việt Yên, Công an tỉnh nắm thông tin về an ninh trật tự ngoài hàng rào KCN; hàng tuần, có Báo cáo về tình hình an ninh trật tự, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các KCN gửi Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ Công ty Luxshare thực hiện nghiêm túc việc khắc phục các sai phạm đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch đã được chấp thuận.

2.6. Sở Công Thương:

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng CCN; kịp thời tham mưu biện pháp xử lý kiên quyết đối với những nhà đầu tư cố tình không thực hiện đồng bộ các hạng mục hạ tầng CCN theo quy hoạch chi tiết được duyệt; tham mưu thu hồi đối với các dự án hạ tầng CCN không triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra hoạt động của các dự án đầu tư kinh doanh chợ trên địa bàn.

- Chuẩn bị các nội dung phục vụ Hội nghị trực tuyến về công tác tiêu thụ vải thiều.

2.7. Sở Giao thông Vận tải:

- Tổng hợp, đánh giá đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng bến thủy nội địa trên các tuyến sông; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến xây dựng các bến thủy, nghiên cứu kỹ các quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ, tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp triển khai thực hiện.

- Khẩn trương chỉ đạo triển khai các thủ tục xây dựng Cầu vượt qua QL1 và xử lý các điểm úng ngập tại các vị trí cống chui dân sinh qua QL1, đôn đốc Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang thực hiện việc xây dựng hàng rào trên dải phân cách QL1.

2.8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện rà soát các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tổng hợp đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

2.9. Cục thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Rà soát, nắm chắc các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đủ điều kiện được hỗ trợ; tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn.

- Cục Thuế tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu, đề xuất xử lý theo quy định;

- Ngân hàng nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX tiếp cận vốn vay.

2.10. Các Ban quản lý dự án ĐTXD tỉnh:

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao làm chủ đầu tư, nhất là dự án lớn, trọng điểm, tác động đến việc thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp.

- Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư đối với 36 dự án mới giao trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2022, chủ động triển khai thực hiện các thủ tục trình HĐND tỉnh trong tháng 7/2020.

2.11. Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh: Tiếp tục theo dõi, bám sát, nắm bắt và tập hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và phản ánh kịp thời với Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh.

2.12. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo Công an các địa phương kịp thời nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại các khu vực nhạy cảm, phức tạp để hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự, tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Tiếp nhận và xử lý kịp thời đối với các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực xung quanh các Khu, cụm công nghiệp.

- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian từ tháng 6/2020 đến hết tháng 10/2020, trong đó tập trung cao cho địa bàn các Khu công nghiệp.

2.13. UBND huyện, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nắm chắc tình hình triển khai thực hiện các dự án, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.

 

Trung bình (0 Bình chọn)