Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 16/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Các đồng chí: Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Vũ Quốc Bình -  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện gần 30 đơn vị gồm các trường đại học, cao đẳng và một số doanh nghiệp lớn về sản xuất bán dẫn đã và đang đầu tư tại Bắc Giang; đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Nhu cầu lao động ngành bán dẫn tăng cao

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sức mạnh của chip bán dẫn và công nghệ AI. Tỉnh Bắc Giang, với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ. Đồng chí hy vọng thông qua hội thảo này, sẽ có những giải pháp cụ thể và hiệu quả, từ đó tạo ra bước đột phá trong việc đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Bắc Giang.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.

Hiện nay, công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời đại số. Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn nên tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung chỉ đạo đảm bảo các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc ngành công nghiệp bán dẫn đến tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư. Đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn gồm: Công ty TNHH Hana Micron Vina vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam vốn đầu tư của Pháp.

Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 lao động; trong đó 175 chuyên gia là người lao động nước ngoài, số lao động có trình độ đại học 707 lao động, trình độ cao đẳng là 775 lao động, trình độ trung cấp, sơ cấp là 74 lao động và 6.343 lao động phổ thông.

Lao động được tuyển vào của doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Quang cảnh hội thảo.

Đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đều dự báo thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục phát triển đòi hỏi nhu cầu tuyển dụng lao động cao, đặc biệt lao động có trình độ.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công tỉnh tham luận.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, dự báo trong thời gian tới doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 là 1.866 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 281 lao động, lao động phổ thông là 1.585 lao động; giai đoạn 2025-2030 khoảng 6.300 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động (chủ yếu lao động tốt nghiệp chuyên ngành về các lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.…), lao động phổ thông là 5.100 lao động.

Tuy nhiên, do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Do vậy, lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc.

Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina tham luận.

Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina mong muốn việc đào tạo ý thức và nhận thức nghề nghiệp từ phía nhà trường; doanh nghiệp chỉ lựa chọn những sinh viên muốn làm việc tại Hana Micron, tham gia thực tập và có thể làm việc lâu dài sau khi tốt nghiệp. Để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ gặp không ít khó khăn, cần phải có khá nhiều thời gian, đào tạo bài bản, chuyên sâu…, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ nhà nước, nhà trường và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đều nhấn mạnh Bắc Giang cần phải nhanh chóng triển khai đa dạng các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để kịp thời đáp ứng được nhu cầu về lực lượng lao động cho các doanh nghiệp tại Bắc Giang.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu bế mạc hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cảm ơn những ý kiến tham gia đóng góp, những khuyến nghị, gợi ý định hướng của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp tại hội thảo. Những ý kiến tâm huyết đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để giúp tỉnh Bắc Giang xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi trong việc đào tạo, phát triển và cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất bán dẫn, hình thành hệ sinh thái hợp tác liên kết đào tạo hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh, Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” là hoạt động đầu tiên, quan trọng, làm nền tảng và cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, AI của tỉnh.

Trên cơ sở những ý kiến chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp. Đồng chí đề nghị các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp tham gia hội thảo căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, căn cứ Kế hoạch số 20/KH-TU ngày 21/6/2021 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, tích cực và khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các nội dung liên quan để tham mưu cho tỉnh kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn, AI giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đến đầu tư tại tỉnh, đảm bảo mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Đại diện Công ty TNHH Hana Micron Vina ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn.

Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Hana Micron Vina với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn và Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang về đào tạo nhân lực bán dẫn phân khúc OSAT.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang về hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang.

Nhóm PV

Trung bình (0 Bình chọn)