Tìm đầu ra cho sản phẩm kinh tế trang trại ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế trang trại (KTTT )được khuyến khích phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Mô hình KTTT giúp nhiều gia đình nông dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Tuy nhiên thực tế đang diễn ra tại các trang trại h

Nông dân Bắc Giang phòng chống dịch bệnh cho gia cầm

Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế, những năm qua, nhiều nông dân phát huy tính sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo thành các mô hình phát triển KTTT hiệu quả. Để khuyến khích các trang trại  đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước mở rộng rộng quy mô, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giá cây, con giống mới... Từ năm 2006 đến nay, các trang trại nuôi lợn nái hướng nạc trên địa bàn tỉnh có quy mô từ 10 con trở lên được hỗ trợ giá mua con giống. Những trang trại sản xuất nấm được trợ giá giống, vật tư, xây dựng lán, trại... Ngoài ra, một số huyện cũng khuyến khích nông dân phát triển kinh tế theo mô hình trang trại như: huyện Lục Nam hỗ trợ 4 triệu đồng/ha cho trang trại thuỷ sản xây dựng cơ sở hạ tầng; Lạng Giang cho trang trại vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô phát triển kinh tế; Tân Yên hỗ trợ vốn cho trang trại có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên... Bằng cách làm đó, đến nay toàn tỉnh có 2.935 trang trại. Các trang trại này tập trung ở các lĩnh vực: cây ăn quả, kinh doanh tổng hợp, chăn nuôi gia súc gia cầm kết hợp trồng cây ăn quả và thuỷ sản với tổng vốn đầu tư đạt gần 293 tỷ đồng, sản phẩm của các trang trại chủ yếu là vải thiều, hồng nhân hậu, nhãn, gia súc, gia cầm, thuỷ sản…

Mặc dù, mô hình KTTT phát triển mạnh song sản phẩm của các trang trại chưa có đầu ra ổn định. Nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm từ các trang trại khó khăn là do hiện nay phần lớn sản phẩm của trang trại chưa có “thương hiệu”, chất lượng nông sản còn thấp, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm tiêu chí xuất khẩu. Nông sản chủ yếu tiêu thụ tự do trên thị trường, việc liên kết bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng giữa các chủ trang trại với doanh nghiệp, công ty chế biến còn hạn chế. Tìm hiểu ở những trang trại có sản phẩm vải thiều lớn, khó nhất vẫn là đầu ra không ổn định và giá bán thấp. Ông Trần Văn Sơn, một chủ  trang trại cây ăn quả ở thôn Thân, xã Hương Sơn (Lạng Giang) cho biết: Năm 2000, gia đình ông đã trồng 8 ha vải thiều. Do thời gian thu hoạch vải thiều ngắn trong khi đó sản lượng lớn nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm chủ yếu bán cho tư thương và bán lẻ ngoài chợ, giá rất thấp. Bởi vậy, năm 2006, gia đình đã chặt bỏ toàn bộ diện tích vải thiều để trồng keo lai.” Cùng với trang trại cây ăn quả, các trang trại  chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, do dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, PRRS xảy ra không chỉ làm thiệt hại cho hàng nghìn hộ chăn nuôi trong vùng dịch mà còn khiến sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm của ngành chăn nuôi ngừng trệ. Sau mỗi đợt dịch, nhiều chủ trang trại  “trắng tay”. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 700 trang trại chăn  nuôi lợn, chiếm 40% tổng số, nhưng chỉ có 2 cơ sở chế biến nên sản phẩm chủ yếu do thương nhân buôn bán, vận chuyển tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh các trang trại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại nuôi trồng thuỷ sản việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2007, sản lượng thuỷ sản từ các TT ước đạt gần 10 nghìn tấn, tăng gần 3 nghìn tấn so với năm 2006. Tuy nhiên, sản phẩm thuỷ sản chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu bán lẻ trên thị trường…

Phát triển KTTT nhằm từng bước xoá bỏ tình trạng sản xuất manh mún, sản lượng và chất lượng hàng hoá thấp. Hoạt động của các trang trại  hiện nay chủ yếu mang tính chất tự cấp, tự túc, thị trường đầu ra còn gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Từ thực tế này cũng cần sự chung tay giúp đỡ của các cơ quan chức năng để KTTT đứng vững và phát triển mạnh hơn. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: “Để tìm đầu ra cho KTTT, thời gian tới tỉnh  tập trung  hỗ trợ trang trại  nâng cao chất lượng nông sản; thực hiện một số dự án như: nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2008-2010, chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh, trồng rừng kinh tế... Đồng thời, tiếp tục tổ chức hội nghị để các công ty, doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, chủ trang trại  có điều kiện gặp gỡ, trao đổi tìm đầu ra ổn định cho nông sản”.

Đồng thời với các biện pháp trên, các chủ trang trại  cũng cần nỗ lực tìm kiếm thị trường bằng việc tích cực đưa những cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; phải thường xuyên cải tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Sản phẩm từ các trang trại phải khẳng định được thương hiệu để có cơ hội vươn ra thị trường nhiều tỉnh, tiến tới xuất khẩu.

Trung bình (0 Bình chọn)