Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang tháng 03 và 03 tháng đầu năm 2024.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang tháng 03 và 03 tháng đầu năm 2024.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang tháng 03 và 03 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khá tích cực trên tất cả các lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý I/2024 (GRDP) ước đạt 14,15%; Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%, công nghiệp - xây dựng tăng 17,78% (công nghiệp tăng 18,69%, xây dựng tăng 7,0%), dịch vụ tăng 6,55%, thuế sản phẩm tăng 3,4%.

Về công nghiệp

Sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt kết quả tích cực mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời - một trong những ngành sản xuất chủ lực của tỉnh - suy giảm do chi phí đầu vào tăng, số lượng đơn hàng giảm. Chỉ số sản xuất (IIP) tháng 3 tăng 20,6% so với tháng trước, tăng 16,7% so với tháng 3/2023; chỉ số 03 tháng tăng 23,89% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%).

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì ngành sản xuất sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, có chỉ số sản xuất ước Quý I/2024 tăng 41,13% so cùng kỳ năm trước nhờ sự tăng trưởng mạnh của các công ty lớn trong ngành này như: Công ty Luxshare ICT; Công ty Luxshare Vân Trung; Công ty Fukang; Công ty Hana Micron. Các sản phẩm chủ lực có mức tăng mạnh, như đồng hồ thông minh ước đạt trên 3.300 nghìn chiếc, tăng gấp 2 lần so cùng; tai nghe ước đạt trên 18.500 nghìn chiếc, tăng 52,5% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3 đạt 52.716 tỷ đồng, tăng 21,4% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ; 3 tháng đầu năm toàn tỉnh (giá hiện hành) đạt 150.813 tỷ đồng, tăng 24,7%, đạt 22,6% kế hoạch. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 2.830 tỷ đồng, tăng 11,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 15.444 tỷ đồng, tăng 10,6%; khu vực FDI 132.538 tỷ đồng, tăng 26,9%.

Tổng diện tích gieo trồng chiêm Xuân 2023-2024 đến nay đạt khoảng 61.119 ha.

Về nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nhìn chung, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi chất lượng cao hiệu quả… Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,83%; cụ thể trên các lĩnh vực:

Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng chiêm Xuân 2023-2024 đến nay đạt khoảng 61.119 ha, bằng 92,9% kế hoạch; trong đó cấy lúa khoảng 44.527ha, đạt 96,4% kế hoạch; ngô 2.283ha, đạt 73,4%; lạc 5.020ha đạt 94,2%, rau các loại 5.925ha đạt 82,3%. Các loại cây trồng phát triển tốt; trà vải sớm đang giai đoạn nở hoa, tỷ lệ ra hoa khoảng 70-80%; trà vải chính vụ đang trong giai đoạn phát triển chùm hoa, tỷ lệ ra hoa khoảng 35-40%. Các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc vải, hạn chế lộc đông nhằm tăng tối đa tỷ lệ ra hoa, đậu quả; hướng dẫn các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều phục vụ xuất khẩu năm 2024.

Chăn nuôi, thủy sản: Công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được quan tâm thực hiện. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ. Sản xuất thủy sản tương đối thuận lợi, các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho sản xuất thủy sản, nhất là đàn cá bố mẹ trong tỉnh; các cơ sở đã sản xuất được 184 triệu cá bột và 160 triệu cá giống; thu hoạch được 1.200 tấn, lũy kế đạt 11.880 tấn, đạt 21,8% kế hoạch. Giá cá thương phẩm bình quân đạt 40 nghìn đồng/kg.

Lâm nghiệp: Công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán được quan tâm, đạt kết quả khá. Các địa phương tích cực trồng cây phân tán, luỹ kế đến nay toàn tỉnh trồng được 1,09 triệu cây phân tán (gấp 1,3 lần so với cùng kỳ) và 1.303ha rừng tập trung (tăng 176ha so với cùng kỳ), đạt 16,3% kế hoạch; toàn tỉnh khai thác được 125,3 nghìn m3 gỗ các loại đạt 12,5% kế hoạch. Trong Quý I đã xảy ra 01 vụ cháy rừng tại xã Dương Hưu (huyện Sơn Động) nhưng không có thiệt hại đến cây rừng; phát sinh 04 vụ khai thác, chặt phá rừng tự nhiên trái phép (01 vụ khai thác, 03 vụ phá rừng) với tổng diện tích 2,272 ha.

Thủy lợi, đê điều phòng chống thiên tai: Tính đến ngày 15/3/2024, dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 61,5% dung tích thiết kế, cơ bản đảm bảo hoạt động tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Dịch vụ

Các ngành dịch vụ duy trì hoạt động ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,5%. Việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa và nông sản thuận lợi; hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 3 ước đạt 5.210 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ; 03 tháng đạt 15.961 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ, đạt 24,9% kế hoạch, trong đó một số ngành hàng có mức tăng cao như: dịch vụ bán buôn, bán lẻ lương thực thực phẩm tăng 26,35%; dịch vụ lữ hành tăng 53,35%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85%, nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 20,4%. Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị xuất nhập khẩu 3 tháng ước đạt 10,31 tỷ USD, tăng 10,03% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 5,78 tỷ USD, tăng 19,7%, nhập khẩu đạt 4,53 tỷ USD, tăng 0,5%.

Hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, bảo đảm tập trung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa...; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ước đến 31/3/2024, tổng huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt 109.850 tỷ đồng, tăng 2.691 tỷ đồng (2,5%) so với 31/12/2023; dư nợ đạt 99.000 tỷ đồng, tăng 3.028 tỷ đồng (tăng 3,2%,); nợ xấu 610 tỷ đồng, chiếm 0,62% tổng dư nợ.

Tổng thu nội địa tháng 3/2024 ước đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước

Công tác thu ngân sách được tập trung ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp quyết liệt, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Tổng thu nội địa tháng 3/2024 ước đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ; 03 tháng đầu năm đạt 4.678,4 tỷ đồng, bằng 32,6% so với dự toán, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến 29/02/2024, ngành thuế đã thu được 233,5 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó: nợ năm 2023 chuyển sang 73,5 tỷ đồng; thu nợ phát sinh 160 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ước 31/3/2024 là 657,6 tỷ đồng.

Trong đó, có một số khoản thu đạt kết quả nổi bật như: Thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.084,9 tỷ đồng, bằng 16,4% so với dự toán UBND tỉnh giao năm 2024, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ thuế, phí ước đạt 3.593,5 tỷ đồng, bằng 46,3% so với dự toán UBND tỉnh giao năm 2024, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023... Bên cạnh đó, có một số khoản thu giảm so với cùng kỳ như: thu lệ phí trước bạ đạt 128,5 tỷ đồng, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ doanh nghiệp Nhà nước trung ương đóng trên địa bàn đạt 90 tỷ đồng, giảm 27,8% so cùng kỳ...

Đầu tư công và phát triển đô thị

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đến nay là 9.144,497 tỷ đồng. Đến nay, các nguồn vốn cân đối NSĐP, NSTW đầu tư theo ngành, lĩnh vực đã hoàn thành giao chi tiết 100% đến các chủ đầu tư. Đối với nguồn vốn NSTW thực hiện các CTMTQG: Đã giao chi tiết 100% số vốn của CTMTQG xây dựng nông thôn mới; số vốn của CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thì 100% số vốn cũng đã được giao chi tiết đến các chủ chương trình, dự án thành phần. Tính đến hết ngày 15/3/2024, giá trị giải ngân đạt 605 tỷ đồng, bằng 6,6% kế hoạch.

Công tác quản lý kiến trúc quy hoạch, phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 14 dự án nhà ở xã hội (tăng 02 dự án so với cùng kỳ) và 11 dự án nhà ở thương mại (tăng 03 dự án so cùng kỳ). Có 148 dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và phê duyệt kết quả lựa chọn chủ đầu tư.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Trong Quý I năm 2024, Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 02 KCN, luỹ kế hiện nay toàn tỉnh đã có 10 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.252,3ha. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng luôn chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch; trong đó đã thành lập thêm được 01 CCN, nâng tổng số CCN đã được thành lập là 55 CCN với tổng diện tích 2.329ha. Công tác lập quy hoạch phát triển KCN luôn được quan tâm, đến nay đã có 13 KCN được phê duyệt quy hoạch xây dựng; 05 KCN đang lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng; 02 KCN đang lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng ; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư đối với 11 KCN, sáp nhập 2 CCN vào KCN. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN đã được chấp thuận.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Tính đến 15/03/2024, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 624,26 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 66,5% cùng kỳ; trong đó cấp mới 9 dự án trong nước, vốn đăng ký 7.668,4 tỷ đồng (gấp 25,8 lần cùng kỳ) và cấp mới cho 15 dự án FDI, vốn đăng ký 104,5 triệu USD (bằng 13,2 % cùng kỳ); điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án DDI với số vốn bổ sung đạt 1.153,4 tỷ đồng (gấp 3,8 lần) và 11 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 162,26 triệu USD (gấp 4,3 lần) . Trong quý, có 310 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 18%; vốn đăng ký đạt 2.598 tỷ đồng; có 32 doanh nghiệp giải thể, tăng 23% cùng kỳ và 418 doanh nghiệp, chi nhánh tạm ngừng hoạt động tăng 33,5% so với cùng kỳ.

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường

Công tác quản lý đất đai tiếp tục được đặc biệt quan tâm; tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, GPMB. Nghiên cứu xây dựng các quy định, cơ chế chính sách về đất đai. Xem xét thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang các mục đích khác năm 2024.

Công tác huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường đến nay, tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 93,8%, tương đương 920,3 tấn/ngày; tỷ lệ rác thải thu gom được xử lý đạt 94,5%, tương đương khoảng 820 tấn/ngày. Toàn tỉnh duy trì 66 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 02 nhà máy tại huyện Lục Ngạn, huyện Yên Dũng và 77 lò đốt công nghệ.

Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Giáo dục và Đào tạo

Hoạt động giáo dục và đào tạo được triển khai toàn diện. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, khối học sinh THPT toàn tỉnh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 đạt kết quả khá với 86/110 thí sinh dự thi đoạt giải, tăng 27 giải so với năm học trước, xếp thứ 7 toàn quốc.

Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Các hoạt động y tế được tập trung chỉ đạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyển đổi số trong khám chữa bệnh như: kê đơn bằng hình thức điện tử; liên thông dữ liệu Giấy khám sức khoẻ lái xe; sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử tích hợp BHYT…

Công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt; trong quý, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra; các bệnh truyền nhiễm được phát hiện rải rác trong cộng đồng, không có trường hợp tử vong. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyển đổi số trong khám chữa bệnh. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được duy trì, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền được tổ chức tốt đáp ứng nhu cầu của Nhân dân gắn với các hoạt động mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và các sự kiện lớn của tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội đầu năm; đảm bảo an toàn, không để xảy ra cháy nổ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều hoạt động được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, đã tổ chức thành công chương trình “Tuần Văn hóa - Du lịch năm tỉnh Bắc Giang năm 2024”; các hoạt động Lễ hội kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế; Lễ công bố thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lục Nam đạt chuẩn nông thôn mới; phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình “Vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu năm 2023” tạo ấn tượng sâu sắc đối với Nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, lao động, việc làm

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chính sách ưu đãi đối với người có công được duy trì thực hiện tốt. Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả. Công tác giảm nghèo được chú trọng; đời sống của Nhân dân nhìn chung ổn định. Các cấp, các ngành tập trung tổ chức triển khai vận động, hỗ trợ xây dựng xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh. 

Công tác lao động, đào tạo nghề được triển khai quyết liệt, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm nguồn lao động phục vụ sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trực tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút lao động tại 04 tỉnh. Trong quý I/2024, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 8.968 lao động , tăng 9% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 191.000 lao động làm việc trong các KCN, tăng 31.976 lao động  so với cùng kỳ.

Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) được tập trung triển khai; tính đến hết tháng 02/2024, số người tham gia BHXH bắt buộc toàn tỉnh là 345,1 nghìn người, tham gia BHTN 330 nghìn người, BHYT hơn 1,7 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 47,1 nghìn người, đạt 75,5% kế hoạch. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 02/2024 là 307.254 triệu đồng, tương ứng 3,13% số phải thu, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 0,15%; trong đó số tiền nợ từ 3 tháng trở lên của 126 đơn vị là 27.070 triệu đồng, bằng 89% so với cùng kỳ.

Công tác Quốc phòng - An ninh, đối ngoại, đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phục vụ diễn tập KVPT huyện Tân Yên và diễn tập Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Lạng Giang năm 2024.

Chỉ đạo, theo dõi cơ quan, đơn vị làm công tác chuẩn bị cho huấn luyện chiến đấu; tổ chức Lễ ra quân huấn luyện, Lễ giao, nhận quân năm 2024 bảo đảm nhanh, gọn, an toàn tuyệt đối, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao (2.800/2.800 tân binh).

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định; tội phạm hình sự giảm so với cùng kỳ năm 2023 và quý liền trước, không phát sinh các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn . 

Công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024.

Tổ chức đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các lễ hội đầu năm. Tai nạn giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông, làm chết 42 người, làm bị thương 51 người. So sánh với cùng kỳ năm 2023: giảm 15 vụ (-15,6%); giảm 14 người chết (-25%); giảm 09 người bị thương (-15%)./.

Nguyệt Ánh.

Trung bình (0 Bình chọn)