Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Tháng 10 năm 2021, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang đứng trước nhiều thuận lợi cũng như thách thức to lớn đan xen. Dù bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, song sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đạt kết quả khá tích cực. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 cơ bản đảm bảo khung thời vụ. Các địa phương đang tập trung thu hoạch lúa mùa và gieo trồng cây vụ đông. Đến nay, đã thu hoạch được 39.120 ha lúa vụ mùa, đạt 76,4% kế hoạch; gieo trồng được 10.599 ha, vụ đông, đạt 47,1% kế hoạch, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 15/10/2021 diện tích trồng một số loại cây màu vụ đông như: Cây ngô trồng ước đạt 2,5 nghìn ha, bằng 88,9% so với cùng kỳ; cây khoai lang trồng ước đạt 1,3 nghìn ha, bằng 84% so với cùng kỳ; cây lạc trồng ước đạt 703 ha, bằng 98,9% so với cùng kỳ; rau đậu các loại vụ đông trồng ước đạt 4,4 nghìn ha bằng 105,9% so với cùng kỳ.

Công tác kiểm soát dịch trên đàn vật nuôi tiếp tục được quan tâm, trong tháng không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, tuy xuất hiện một vài dịch bệnh thông thường tại một số địa phương song đã được kiểm soát kịp thời, không gây thiệt hại lớn. Trên địa bàn tỉnh đàn gia súc vẫn có xu hướng giảm, riêng đàn lợn trong tháng tăng chậm so với cùng kỳ và có xu hướng giảm do giá bán lợn hơi giảm mạnh người chăn nuôi không có lãi, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 10 ước đạt 13,9 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ.

Gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định và tiếp tục tăng, ước đạt 18,8 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 10 ước đạt 185 tấn, bằng 97,4% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 1.935 tấn, bằng 97,6% so với cùng kỳ. Giá bán các sản phẩm nông sản khác được duy trì ở mức khá cao, mang lại lợi nhuận cho người dân.

Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng 10, các chỉ tiêu về trồng rừng vượt kế hoạch đề ra, tính chung 10 tháng toàn tỉnh đã trồng được 8.867 ha rừng tập trung, vượt 23,2% kế hoạch; khai thác được gần 910 nghìn m³ gỗ các loại, vượt 26,3% kế hoạch. Các địa phương đã trồng được gần 3,8 triệu cây các loại theo Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh, đạt 75,7  kế hoạch.

Sản xuất thủy sản

Tháng 10 tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 3.419,1 tấn, bằng 102,9% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 40.885,1 tấn, bằng 105,2% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 38.062,1 tấn, bằng 105,9% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.823 tấn, bằng 97,1% so với cùng kỳ.

2. Công nghiệp

Tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh phía nam cơ bản được khoanh vùng và khống chế, song vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện và vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo cộng đồng doanh nghiệp, người lao động thích ứng với tình hình mới tạo mọi điều kiện và tâm lý cho người lao động yên tâm quay trở lại làm việc; mặt khác tổ chức các cuộc gặp mặt, hội nghị trao đổi chia sẻ trức tiếp với các doanh nghiệp về khó khăn vương mắc trong việc thu hút người lao động quay lại làm việc, biện pháp ngăn chặn từ xa dịch Covid-19 cho người lao động,... để đưa ra hướng chỉ đạo tối ưu. Do đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi nhanh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 so với tháng trước tăng 3,65% và tăng 21,21% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9,95% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,07%; ngành khai khoáng tăng 5,85%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,46%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải bằng 99,69%.

3. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Tính chung tình hình vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2021 ước đạt 678,8 tỷ đồng, tăng 16,6% so với tháng trước, giảm 10,35% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý đạt 251,2 tỷ đồng, tăng 25,8% so với tháng trước và giảm 24,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý đạt 396,2 tỷ đồng, tăng 12,7% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý đạt 31,5 tỷ đồng, tăng 1,95% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Một số dự án vốn thực hiện cao trong tháng như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng quy trình giường bệnh Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa ước đạt 31,6 tỷ đồng; Đường nối từ QL37- QL17 đường tỉnh 292, đoạn Việt Yên-Tân Yên-Lạng Giang ước đạt 61 tỷ đồng; Công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 298 ước đạt 18 tỷ... Tính chung 10 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.226,9 tỷ đồng, bằng 92,9% so với cùng kỳ.

4. Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Giao thông vận tải

Tháng 10/2021 đơn vị kinh doanh vận tải bước đầu có tín hiệu tốt lên, có xu hướng tăng trở lại so với tháng trước do đang thực hiện phòng chống dịch sang trạng thái bình thường mới, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoạt động vận
tải hành khách còn hạn chế. Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 10 (ước đạt 496,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ tăng 8%.

Tính chung 10 tháng doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 4.051,4 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ, trong đó, vận tải hành khách tháng 10/2021 ước tính doanh thu đạt gần 82 tỷ đồng, bằng 94,3% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa tháng 10/2021 ước tính doanh thu đạt 398,1 tỷ đồng, bằng111,6% so với cùng kỳ.

Bưu chính viễn thông

Trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021 ngành Bưu chính viễn thông trên địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của Nhân dân.

Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông tháng 10 ước đạt 215 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu 10 tháng ước đạt 2.045 tỷ đồng. Tổng thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng đạt 1.760 thuê bao, tính đến nay tổng thuê bao điện thoại đang hoạt động đạt 1.878.350 thuê bao.

5. Hoạt động thương mại

Tổng mức bán lẻ

Tháng 10/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đã có tín hiệu tốt và có sự chuyển biến tích cực, ước tính đạt 2.600,2 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do trong tháng tình hình giá bán các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng hiện ở mức cao, mặt khác nhu cầu tiêu thụ của người dân, doanh nghiệp dần hồi phục nên doanh thu tăng cao....

Tháng 10/2021, hàng hóa thực phẩm có xu hướng tăng giá do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 24.728,6 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng tăng lớn như: Nhóm lương thực, thực phẩm tổng mức bán lẻ tăng 6,9% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,8% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 4,6% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại tăng 9,6%,... Qua đó đã tác động mạnh làm tăng tổng mức bán lẻ tháng 10 và 10 tháng của tỉnh.

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 1,51% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 0,03% so với cùng kỳ.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 10 có 08 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất đó là: Nhóm giao thông tăng 2,53%; Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,13%, tăng chủ yếu do quần áo thu đông tăng; Nhóm đồ uống và thuốc là tăng 0,92%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,81%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,82%,… Nguyên nhân tăng do ảnh hưởng của chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung khan hiếm nhu cầu tăng.

6. Tài chính, ngân hàng

Hoạt động tài chính

Thu ngân sách nhà nước tháng 10 ước đạt 813 tỷ đồng, bằng 9,1% so với dự toán, nâng tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 10.463,2 tỷ đồng, đạt 117,1% dự toán, bằng 148,1% cùng kỳ.

Cụ thể, thu từ tiền sử dụng đất ước đạt 5.690,6 tỷ đồng, bằng 129,6% so với dự toán và bằng 208,1% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 388,5 tỷ đồng, bằng 102,2% so với dự toán và bằng 107,5% so với cùng kỳ; thu từ thuế khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 1.037,7 tỷ đồng, bằng 97,9% so với dự toán và bằng 117,7% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 980,3 tỷ đồng, bằng 101,6% so với dự toán và bằng 113,8% so với cùng kỳ,...

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu đạt thấp, trong đó thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 69,4 tỷ đồng, bằng 92,5% so với dự toán, bằng 58% so với cùng kỳ; thu từ tiền thuê đất ước đạt 134,8 tỷ đồng, bằng 168,6% so với dự
toán và bằng 71,7% so với cùng kỳ…

Thu ngân sách nhà nước tháng 10 ước đạt 813 tỷ đồng, bằng 9,1% so với dự toán. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Hoạt động ngân hàng

Trong tháng các Ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động từ tiền gửi dân cư, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trên địa bàn, đồng thời quảng bá sản phẩm và các tiện ích đi kèm, nên ước đến 31/10/2021 vốn huy động đạt 73.472 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi dân cư ước đạt 63.672 tỷ đồng, tăng 1,8%; nguồn tiền gửi ngắn hạn ước đạt 48.222 tỷ đồng, tăng 1,9%; tiền gửi trung và dài hạn ước đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 1,8%.

Ước đến 31/10/2021 dư nợ tín dụng đạt 66.512 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 37.725 tỷ đồng, tăng 1,3%; dư nợ cho vay trung và dài hạn ước đạt 28.787 tỷ đồng, tăng 1,5%.

7. Một số vấn đề xã hội

Lao động, việc làm và chăm lo đời sống dân cư

Trong tháng, tình hình hỗ trợ người lao động và giải quyết việc làm được triển khai có hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phòng chống dịch Covid-19.

Triển khai phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu về thông tin thị trường lao động, lao động qua đào tạo gắn với phân tích, dự báo và cung ứng dịch vụ thông tin thị trường lao động. Tổ chức đón 379 công dân từ các tỉnh phía Nam với tổng cộng 3 đợt là 1.911 người có nguyện vọng về quê an toàn.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.186 lao động; kịp thời giải quyết 872 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Nhìn chung đời sống dân cư trong tỉnh cơ bản ổn định, các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi được hoạt động trong trạng thái bình thường mới đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Các chế độ chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, hoạt động bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, không có hiện tượng thiếu đói.

Công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được giải quyết kịp thời. Đến ngày 02/11/2021, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ được: 483.460 lượt người; 4.227 doanh nghiệp; 3.470 hộ kinh doanh. Tổng số kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ 701.297.864.261 đồng, tổng số kinh phí đã chi trả là 696.508.117.061 đồng.

Trong tháng, công tác hỗ trợ Người có công (NCC) và thân nhân được tỉnh triển khai kịp thời và đúng quy định, như: Sở Lao động, thương binh và Xã hội tỉnh đã ban hành quyết định trợ cấp hàng tháng với NCC và thân nhân của họ cho 17 trường hợp; ra quyết định trợ cấp 1 lần đối với 63 trường hợp; ra quyết định trợ cấp 1 lần và mai táng phí cho 317 trường hợp.

Tình hình Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19; để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế tối đa nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định về thực hiện các biện pháp cách ly y tế, theo dõi sức khỏe đối với người về từ vùng dịch.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19: Tính đến ngày 21/10, toàn tỉnh đã tiêm được 1.041.873 liều (mũi 1: 780.893 liều, mũi 2: 260.980 liều), đạt 66% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. 
Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Tỉnh tiếp tục tập trung triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, triển khai khôi phục lại khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh sau khi kết thúc quản lý và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Công tác giáo dục và đào tạo

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa duy trì kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, vừa thực hiện các giải pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; tăng cường đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học.

Hướng dẫn các hoạt động chuyên môn đối với giáo dục mầm non; phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục hoàn thiện hồ sơ xuất bản tài liệu giáo dục địa phương và tổ chức tập huấn giảng dạy lớp 2, lớp 6; tổ chức sinh hoạt chuyên môn các cấp; ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

8. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Các hoạt động văn hoá, thể thao du lịch đã dần trở lại trong điều kiện bình thường mới. Chuẩn bị các điều kiện, nội dung tổ chức 05 môn thi đấu trong chương trình Đại hội thể dục thể thao tỉnh. Triển khai xây dựng Đề án “Phát triển điểm du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030”. Hoàn thiện đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án phục dựng “Con đường Hoằng Dương phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” giai đoạn 2022 - 2030.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030”, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức ghi hình Chương trình nghệ thuật “Về miền di sản”, để phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang vào dịp chào mừng kỷ niệm 126 năm ngày thành lập tỉnh Bắc Giang (10/10/1895 - 10/10/2021).

9. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Công an các cấp tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng ngừa TNGT và ùn tắc giao thông, nhất là trong các tháng cuối năm 2021. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng xử lý 4.147 trường hợp vi phạm. Trong đó 1.163 xe ô tô, 2.762 xe mô tô, 222 phương tiện khác; 446 trường hợp quá khổ, quá tải; 477 trường hợp nồng độ cồn); tạm giữ 90 ô tô, 1.022 mô tô; tước Giấy phép lái xe có thời hạn 606 trường hợp; thu nộp ngân sách Nhà nước 5,7 tỷ đồng.

Trong tháng, xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm 15 người chết, 33 người bị thương, bằng về số vụ (40/40), giảm 05 người chết, tăng 01 người bị thương so với tháng trước; tăng 09 vụ (40/31), số người chết không tăng giảm (15/15), tăng 09 người bị thương (33/24) so với cùng kỳ. 

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị trong tháng cơ bản ổn định và giữ vững. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quản lý di biến động dân cư; phát hiện người trở về từ các vùng dịch mà không khai báo để phối hợp áp dụng biện pháp cách ly theo quy định./.

(Huyền Giang)

Trung bình (0 Bình chọn)