Tình hình kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 5 và 5 tháng năm 2021

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 5 và 5 tháng năm 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm 40,9% so với 4/2021, giảm 33,3% so với cùng kỳ. Hoạt động công nghiệp - xây dựng đang có chiều hướng chững lại, do vậy ngành dịch vụ cũng chịu tác động chung. Mặt khác, một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cách ly xã hội và hạn chế đi lại; tâm lý của người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nên ảnh hưởng đến sức mua và hoạt động vận tải trên địa bàn. Kết quả của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp khá ổn định, thời tiết diễn biến thuận tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân. Tổng đàn đại gia súc có xu hướng giảm do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp và hiệu quả kinh tế không cao. Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 91,3 nghìn ha, bằng 98,2% so với cùng kỳ,... Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi đàn gia súc có xu hướng giảm, gia cầm cơ bản phát triển ổn định, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi duy trì ổn định, riêng giá lợn giảm.

Sản xuất lâm nghiệp 

Công tác trồng rừng: Trong tháng chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc rừng đã trồng; ước tháng 5/2021 trồng mới đạt 1.102 ha, bằng 111,3% so với cùng kỳ, nâng tổng diện tích rừng trồng mới 5 tháng ước đạt 4.394 ha, bằng 111,5% so với cùng kỳ. Về công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, các cơ quan chuyên môn đã tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, đồng thời tuyên truyền phòng chống cháy và bảo vệ rừng nên trong tháng không xảy ra cháy rừng và thiệt hại.

Sản xuất thủy sản  

Tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2021 ước tính đạt 3.967,8 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng năm 2021 ước đạt 19.458,7 tấn, bằng 103,6% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm cho sản xuất công nghiệp tháng 5 và 5 tháng của tỉnh chững lại, giảm mạnh bởi hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất do xuất hiện nhiều ca dương tính, tuy nhiên một số ngành, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn sản xuất và tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm 40,9% so với 4/2021, giảm 33,3% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn đều giảm, đáng chú ý ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm tới 53,6% so với tháng trước, giảm 46,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lớn phải dừng sản xuất, như: Hosiden, Newwing, SJ Tech, Shin young, Luxshare. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất hoạt động ngoài các Khu Công nghiệp vẫn duy trì sản xuất bình thường có mức tăng khá so với cùng kỳ… Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm mạnh, song chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh vẫn đạt mức tăng 19,1% so với cùng kỳ.

3. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Vốn đầu tư thực hiện thuộc vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự tính trong tháng tiếp tục tăng so với cùng kỳ bởi thực hiện các giải pháp tháo gỡ nút thắt trong việc thúc đẩy giải ngân vốn; đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ để giải ngân vốn kịp thời theo chỉ đạo của trung ương cũng như của tỉnh, cụ thể: Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2021 ước đạt 390,3 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 5 tháng đầu năm ước đạt 2.143,3 tỷ đồng tăng 10,6% so với cùng kỳ... 

4. Hoạt động dịch vụ

Trong bối cảnh chung của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong tỉnh cũng như tỉnh lân cận, hoạt động công nghiệp - xây dựng đang có chiều hướng chững lại, do vậy ngành dịch vụ cũng chịu tác động chung. Mặt khác một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cách ly xã hội và hạn chế đi lại, tâm lý của người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến sức mua và hoạt động vận tải trên địa bàn, cụ thể:

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 5/2021 ước đạt 2.450,3 tỷ đồng, giảm 9,5% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ 5 tháng đầu năm ước đạt 12.832,7 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng cao tháng 5 và 5 tháng vẫn đạt mức tăng khá so với cùng kỳ, như: Nhóm lương thực thực phẩm tháng 5 ước đạt 783,7 tỷ đồng, tăng 7,6%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tháng 5 ước đạt 332,8 tỷ đồng, tăng 5,3%; gỗ và vật liệu xây dựng tháng 5 ước đạt 486 tỷ đồng, tăng 6,2%… 

Nhóm lương thực, thực phẩm tháng 5/2021 ước đạt 783,7 tỷ đồng, tăng 7,6%. Ảnh minh họa: BGP/Huyền Giang.

Vận tải 

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 5/2021 ước đạt 391,2 tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ, nâng tổng doanh thu vận tải, kho bãi 5 tháng đầu năm ước đạt 2.197,6 tỷ đồng, bằng 108,5% so với cùng kỳ, cụ thể: Hoạt động vận tải hàng hóa tháng 5/2021 ước đạt 322,6 tỷ đồng, bằng 106,5% so với cùng kỳ, nâng tổng doanh thu 5 tháng ước đạt 1.728,4 tỷ đồng, bằng 108,4% so với cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 5 ước đạt 3.030 nghìn tấn, bằng 106,1% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa t.háng 5 ước đạt 79.673 nghìn tấn.km, bằng 106,3% so với cùng kỳ.

Bưu chính viễn thông 

Trong tháng, ngành đã tăng cường chỉ đạo điều hành mạng lưới thông tin bưu chính, viễn thông, thực hiện phương án phân tải, phân lượng, xây dựng và củng cố hạ tầng công nghệ thông tin nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng nghẽn mạng, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân và công tác chống dịch bệnh Covid-19 kịp thời đến nhân dân. Phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật dữ liệu của bệnh nhân mắc Covid-19 lên phần mềm bản đồ COVIDMAPS của tỉnh Bắc Giang; tiếp nhận và hướng dẫn sử dụng phần mềm phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo hình thức trực tuyến;…

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2021 giảm 0,24% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị giảm 0,38%, khu vực nông thôn giảm 0,22%. Tính chung 5 tháng chỉ số giá tiêu dùng giảm 1,17%, trong đó khu vực thành thị giảm 1%, khu vực nông thôn giảm 1,22%. Nhóm giao thông tăng 0,73%, tăng chủ yếu do ảnh hưởng của 02 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng; nhóm giáo dục tăng 0,57% do các mặt hàng văn phòng phẩm tăng giá; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%... Tháng 5/2021 có 05 nhóm chỉ số giá giảm so với tháng trước và đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng giảm, ảnh hưởng chủ yếu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 0,78% do giá thịt lợn giảm; nhóm may mặc, giày dép giảm 1,13%; nhóm nhà ở, điện nước và chất đốt giảm 0,05%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,16%,... 

5. Tài chính, Ngân hàng

Hoạt động tài chính 

Về Thu: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 5 năm 2021 ước thực hiện 1.514 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 5.789 tỷ đồng, bằng 64,8% kế hoạch dự toán năm, bằng 161,1% so với cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực thu đạt khá như: Thu từ thuế thu nhập cá nhân ước đạt 457,8 tỷ đồng, bằng 70,4% so với dự toán và bằng 117,2% so với cùng kỳ; thuế khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 644,8 tỷ đồng, bằng 60,8% so với dự toán và bằng 139,1% so với cùng kỳ;...Tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực thu đạt thấp như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 183,5 tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán và bằng 93,6% so với cùng kỳ; thu từ tiền thuê đất ước đạt 23,5 tỷ đồng, bằng 29,4% so với dự toán và bằng 27,2% so với cùng kỳ,... 

Tháng 5/2021, thu tiền sử dụng đất ước đạt 3.097,3 tỷ đồng, bằng 70,6% so với dự toán và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa: BGP/Huyền Giang.

Về chi: Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, tình hình chi ngân sách của địa phương cơ bản đã đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Hoạt động ngân hàng

Trong tháng, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt chức năng điều hoà tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng Thương mại và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn nộp, lĩnh tiền thuận lợi. Chỉ đạo các ngân hàng Thương mại cho vay với thủ tục nhanh, gọn, trúng và đúng không gây khó khăn cho người dân cũng như doanh nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới và giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như: Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch, xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; các khách hàng đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19,… bên cạnh đó kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến 31/5/2021 ước đạt 71.890 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước. Tổng dư nợ đến 31/5/2021 ước đạt 63.096 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước. Chất lượng tín dụng luôn được quan tâm, triển khai các phương án cơ cấu lại, yêu cầu rà soát, đánh giá, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. 

6. Một số vấn đề xã hội

Công tác văn hóa, giáo dục

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp diễn ra trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: Vừa tuân thủ tuyệt đối các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì các hoạt động giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng xấu, đảm bảo an toàn cho cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên. Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các cơ sở giáo dục trực thuộc tại tỉnh đã thông báo cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp (trừ học sinh khối 12 theo hình thức giãn cách và học trực tuyến); cơ sở giáo dục kỹ năng sống, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh tạm dừng các hoạt động giáo dục tại trường từ ngày 10/5/2021 đến khi có thông báo mới. Đồng thời, có phương án bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên trực trường, vệ sinh trường, lớp học; thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh học sinh để nắm tình hình, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng ngày, trong trường hợp đột xuất phải báo cáo trực tiếp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo để kịp thời có hướng giải quyết.

Văn hóa, thể thao và du lịch

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện nghiêm, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu tạm dừng tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh do ngành Văn hóa, thể thao và du lịch quản lý từ ngày 06/05/2021. Các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn các huyện, thành phố tạm dừng tổ chức.  Đặc biệt nhấn mạnh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chỉ được tổ chức khi đã kiểm soát được dịch bệnh và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Đời sống dân cư trong tháng không có hiện tượng thiếu đói giáp hạt xảy ra. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại có diễn biến phức tạp, đã có những ca mắc trong cộng đồng phần nào ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân. Tính đến chiều ngày 19/5, tỉnh Bắc Giang đã quyết định cách ly xã hội đối với 4 huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam và Yên Dũng theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang theo Chỉ thị số 15. Các địa phương, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, hầu hết người dân có ý thức chấp hành nghiêm quy định cách ly xã hội. Hơn nữa, tại các địa phương trong tỉnh đang đến mùa thu hoạch vải thiều, đây là vấn đề hết sức khó khăn... Do tình hình diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, việc tạm dừng hoạt động của 4 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khiến cho thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, tuy nhiên nhận thức được tầm quan trọng của công tác chống dịch lây lan, các doanh nghiệp và công nhân đều nghiêm chỉnh thực hiện việc cách ly, phối hợp lấy mẫu xét nghiệm.

Về công tác an sinh, xã hội: Trong tháng, Sở Lao động-Thương binh và xã hội đã xây dựng dự thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Qua đây nhằm ngăn ngừa hiện tượng khan hàng “sốt” giá; giúp người dân yên tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh…

Hoạt động y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp do dịch bùng phát trong Khu công nghiệp, tốc độ lây lan nhanh làm ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế-xã hội. Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Bắc Giang hiện là ổ dịch nóng nhất cả nước. Trong tình hình đó, tỉnh đã thành lập các tiểu ban phối hợp với Tổ thường trực của Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, chỉ đạo điều phối tốt công tác xét nghiệm khi có nhiều lực lượng về địa phương hỗ trợ để phát huy hiệu quả tăng tốc xét nghiệm, sớm khoanh vùng, dập dịch, không để các nguồn lây lan rộng trong cộng đồng…

Ngành Y tế tiếp tục tập trung triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Về công tác khám, chữa bệnh: Ngành Y tế tiếp tục tập trung triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong tháng, số lượt khám chữa bệnh là 144.909 lượt (tuyến tỉnh: 50.689, tuyến huyện: 94.220); bệnh nhân nội trú: 21.140 người (tuyến tỉnh: 10.554, tuyến huyện: 10.586); bệnh nhân điều trị ngoại trú: 42.315 người ( tuyến tỉnh: 6.293, tuyến huyện: 36.022); công suất sử dụng giường bệnh là 107,7% (tuyến tỉnh: 117,2%, tuyến huyện: 95,9%).

Công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Về hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong tháng tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030; bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đôn đốc các địa phương thực hiện triển khai các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông theo các chuyên đề; kiểm tra, rà soát, thống nhất giải pháp xử lý vi phạm tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn;…

Về tai nạn giao thông, tính từ ngày 15/4/2021 đến ngày 14/5/2021, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người, bị thương 12 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 03 vụ; số người chết không tăng, không giảm; số người bị thương giảm 03 người. So với tháng trước giảm 01 vụ, tăng 04 người chết và giảm 08 người bị thương.

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị trong tháng 5 cơ bản ổn định. Ngày 12/5, toàn lực lượng Công an tỉnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu cách ly tập trung và các khu vực phong tỏa; nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong tháng trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm về môi trường với tổng số tiền xử phạt là 130 triệu đồng, tổng số vụ vi phạm trong 5 tháng đầu năm là 75 vụ và xử phạt 1.493 triệu đồng./.

                                                                                                                                                                                                                (Huyền Giang)

Trung bình (0 Bình chọn)