Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 7 và 7 tháng năm 2021

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 7 năm 2021 đang trên đà phục hồi tăng trưởng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khu vực công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 tăng hơn 2 lần so với tháng trước và giảm 15,35% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải, kho bãi tháng 7/2021 đang có xu hướng tăng trở lại, song do hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hồi phục nên doanh thu vận tải, kho bãi tháng 7 so với cùng kỳ vẫn giảm 20%. Tổng mức bán lẻ tháng 7/2021 đã có sự chuyển biến tích cực, ước tính đạt 2.303,4 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng trước, song vẫn giảm 1,33% so với cùng kỳ... Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 7/2021 chủ yếu tập trung làm đất, gieo trồng vụ mùa, diện tích lúa mùa có xu hướng thu hẹp dần, diện tích trồng một số loại cây mầu so với cùng kỳ đều tăng do chuyển đổi khung thời vụ, trồng sớm hơn để phù hợp với thời tiết và khí hậu.

Về trồng trọt, các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; theo tiến độ sản xuất nông nghiệp tính đến ngày 15/7/2021, diện tích cây lúa ước thực hiện 41.543 ha, bằng 81,5% so với kế hoạch và bằng 107% so với cùng kỳ;....

Về chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đàn gia cầm phát triển và tiêu thụ ổn định, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và tiếp tục tăng. Công tác nắm bắt tình hình, kiểm soát phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được quan tâm thực hiện tốt, song đàn đại gia súc vẫn có xu hướng giảm; riêng đối với đàn lợn xu hướng tái đàn của các hộ dân còn chậm do ảnh hưởng của giá lợn giống cao và tâm lý e ngại chi phí áp dụng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học cao…

Sản xuất lâm nghiệp

Trong tháng 7/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 912 ha, bằng 102,5% so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 503 ngàn cây, tăng 0,6% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác đạt 59.620 m3, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 6.408 ha, tăng 10,1% so với cùng kỳ…

Sản xuất thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 7/2021 ước đạt 3.757,8 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.442,8 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 315 tấn, bằng 96,6% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng đạt 27.496,8 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng khu vực công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cơ bản các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, song số lượng công nhân đảm bảo điều kiện trở lại làm việc chưa cao, công suất hoạt động của các doanh nghiệp chưa được đảm bảo theo thiết kế,... Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 tăng hơn 2 lần so với tháng trước và giảm 15,35% so với cùng kỳ, cụ thể: Ngành khai khoáng có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 20,69% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,24 lần so với tháng trước và giảm 16,83% so với cùng kỳ.

Trong tháng, một số ngành kiểm soát được dịch bệnh phục hồi và ổn định được sản xuất, như: Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 110,04% so với tháng trước và đạt 147,58% so với cùng kỳ; ngành sản xuất kim loại IIP đạt 299,4% so với tháng trước và đạt 238,85% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,01% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,88%; ngành khai khoáng giảm 0,23%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,63%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,33%.

3. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Vốn đầu tư thực hiện thuộc vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự tính trong tháng tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Việc đầu tư xây dựng và sửa chữa bị chậm lại do thực hiện giãn cách xã hội và giá nguyên vật liệu tăng; tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút vốn đầu tư; nhiều nhà đầu tư cân nhắc tăng vốn và tạm dừng đề xuất triển khai các dự án đầu tư mới, cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2021 ước đạt 465.651 triệu đồng, giảm 16,9% so với cùng kỳ… Tính chung 7 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.477,1 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ.

4. Giao thông, bưu chính

Về vận tải, kho bãi

Hoạt động vận tải, kho bãi tháng 7/2021 đang có xu hướng tăng trở lại so với tháng trước do đang thực hiện nới lỏng phòng chống dịch sang trạng thái bình thường mới, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hồi phục, nên doanh thu vận tải, kho bãi tháng 7 so với cùng kỳ vẫn giảm 20%. Tính chung 7 tháng doanh thu vận tải, kho bãi giảm 5,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do lượng khách và nhu cầu đi lại của người dân chưa đạt được trạng thái bình thường mới. Tính chung 7 tháng doanh thu vận tải hành khách ước đạt 401,2 tỷ đồng, bằng 80,2% so với cùng kỳ.

Về Bưu chính viễn thông

Trong tháng, ngành đã đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân; tạo lập được 1.129 tài khoản phần mềm quản lý và truy vết Covid-19 cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cấp phầm mềm Bluezoner và tuyên truyền vận động người dân thực hiện việc cài đặt, sử dụng ứng dụng để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, đã góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngặn chặn và khống chế dịch Covid-19 lan rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

5. Thương mại, giá cả

Tổng mức bán lẻ

Tổng mức bán lẻ tháng 7/2021 đã có sự chuyển biến tích cực, ước tính đạt 2.303,4 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng trước, song vẫn giảm 1,33% so với cùng kỳ, trong đó có một số nhóm hàng tăng, như: Lương thực, thực phẩm tăng 2,44% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ; nhóm hàng xăng dầu các loại tăng 17,97% so với tháng trước và tăng 2,48% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 17.210,3 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tháng 7/2021, Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,44% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ. 
Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2021 tăng 0,52% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,61%, khu vực nông thôn tăng 0,5%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng giảm 0,48%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, 07 nhóm có chỉ số giá tăng và tương đương tháng trước. Nhóm tăng cao nhất là nhóm Giao thông tăng 3,11% so với tháng trước. Trong tháng có 04 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước, đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,36% so với tháng trước; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình giảm 0,36%;…

6. Tài chính, ngân hàng

Hoạt động tài chính

Về Thu, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 7 ước thực hiện 868 tỷ đồng, tính chung 7 tháng ước thực hiện 7.603,6 tỷ đồng, bằng 85,1% so với dự toán và bằng 157,3% so với cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực thu đạt khá như: Thu từ thuế thu nhập cá nhân ước đạt 565,1 tỷ đồng, bằng 86,9% dự toán và bằng 109,7% so với cùng kỳ; thu từ tiền sử dụng đất ước đạt 4.238,4 tỷ đồng, bằng 96,5% so với dự toán và bằng 252,7% so với cùng kỳ;... Một số lĩnh vực thu đạt thấp như: Thuế từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 56,6 tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán và bằng 63,6% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 258,9 tỷ đồng, bằng 68,1% so với dự toán và bằng 97,4% so với cùng kỳ;...

Về chi, dự tính tháng 7 tình hình chi ngân sách của địa phương cơ bản đã đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Hoạt động ngân hàng

Trong tháng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện những chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn của Đảng, Chính phủ; hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về huy động và lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, mức độ rủi ro của khoản vay và chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng nguồn vốn huy động ước đến 31/7/2021 đạt 73.136 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước. Dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng, ước đến 31/7/2021 dư nợ cho vay đạt 63.573 tỷ đồng, bằng 100,2% so với tháng trước. Công tác kho quỹ đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, trang thiết bị đầy đủ, chất lượng dịch vụ được nâng cao; tổng thu tiền mặt ước tháng 7/2021 đạt 34.156 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước.

Các Ngân hàng thương mại đã áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, mức độ rủi ro của khoản vay và chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

7. Một số vấn đề xã hội

Về công tác giáo dục

Ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức thành công đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tích cực chủ động phối hợp với các ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi diễn ra thuận lợi, đặc biệt là phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các ngành như Y tế, Công an, UBND các huyện, thành phố đều xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đảm bảo an toàn cho kỳ thi trong điều kiện diễn biến dịch còn nhiều phức tạp. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch khôi phục các hoạt động giáo dục gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Văn hóa, thể thao và du lịch

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã có chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ kỷ niệm trong quý 3 năm 2021. Tăng cường viết, sưu tập, biên tập, đăng tải tin, bài tuyên truyền, giới thiệu về các khu, điểm du lịch của tỉnh trên website du lịch Bắc Giang và Cổng du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang, phối hợp với Tạp chí Làng Việt xây dựng kịch bản tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch huyện Tân Yên.

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong tháng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đời sống dân cư ổn định, không có hiện tượng thiếu đói giáp hạt xảy ra. Vụ vải thiều đạt sản lượng và năng suất cao, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh trong hoạt động xúc tiến tiêu thụ nên Bắc Giang đã gặp nhiều thuận lợi trong tiêu thụ vải thiều cũng như các nông sản khác, tạo sự ổn định thu nhập cho người dân trong tỉnh. Mặt khác, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã dần hoạt động sản xuất trở lại góp phần tạo việc làm cho người lao động tạm thời ngừng việc trong thời gian qua.

Hoạt động y tế

Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, song nguy cơ bùng phát trở lại luôn thường trực, Sở Y tế tỉnh tiếp tục ban hành nhiều văn bản kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bệnh truyền nhiễm được phát hiện rải rác trong cộng đồng, trong tháng ghi nhận 477 lượt mắc bệnh của 7 bệnh truyền nhiễm trong số 27 bệnh được giám sát (tăng 89 ca so với tháng trước, giảm 409 ca so với cùng kỳ năm trước), không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào.

Tháng 7/2021, có 68.634 lượt khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tuyến tỉnh là 29.061 lượt, tuyến huyện là 39.573 lượt. 
Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Trong đợt dịch vừa qua, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang đã điều trị khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19. Tỉnh tiếp tục tập trung triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh. Trong tháng, số lượt khám chữa bệnh là 68.634 lượt (tuyến tỉnh: 29.061, tuyến huyện: 39.573); bệnh nhân nội trú: 9.821 người (tuyến tỉnh: 6.562, tuyến huyện: 3.259); bệnh nhân điều trị ngoại trú: 26.922 người ( tuyến tỉnh: 1.300, tuyến huyện: 25.621); công suất sử dụng giường bệnh là 67,7% (tuyến tỉnh: 76,6%, tuyến huyện: 56,7%).

Công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Trong tháng, tỉnh tiếp tục thực hiện ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hoạt động kinh doanh vận tải và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến giao thông trọng điểm, các đầu mối giao thông lớn, bến xe, nhà ga,…chấn chỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Nhìn chung, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tháng được thực hiện tốt. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.623 trường hợp vi phạm, tạm giữ 87 ô tô, 309 mô tô; tước giấy phép lái xe có thời hạn 250 trường hợp; xử phạt 3 tỷ đồng.

Tính từ 15/6/2021 đến ngày 14/7/2021, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người, làm bị thương 8 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 21 vụ; số người chết giảm 12 người; số người bị thương giảm 27 người. Tính chung 7 tháng, toàn tỉnh xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 54 người, làm bị thương 120 người. Tình hình an ninh chính trị trong tháng cơ bản ổn định. Trong tháng xảy ra 1 vụ cháy, ước giá trị thiệt hại khoảng 1.5 tỷ đồng, xử lý 6/8 vụ vi phạm về môi trường với tổng số tiền xử phạt là 85 triệu đồng, tổng số vụ vi phạm trong 7 tháng đầu năm là 87 vụ và xử phạt 1.610 triệu đồng./.

(Huyền Giang)

Trung bình (0 Bình chọn)