Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 8 và 8 tháng năm 2023

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp trong tháng diễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản ổn định, lượng mưa đảm bảo độ ẩm giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhất là đối với diện tích lúa đã cấy. Diện tích lúa mùa bị thu hẹp dần, do một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích lúa sang sử dụng mục đích khác và trồng cây ăn quả cho năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tính đến ngày 15/8/2023, toàn tỉnh gieo trồng cây vụ mùa ước đạt 61.266/63.000 ha, đạt 97,2% kế hoạch. Trong đó, một số cây trồng chính như sau: Diện tích gieo cấy lúa vụ mùa ước đạt 49.127 ha, bằng 98,8% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022, diện tích lúa đã cấy sinh trưởng và phát triển ổn định; dự kiến đến hết tháng 8 các địa phương trong tỉnh sẽ kết thúc gieo cấy diện tích lúa mùa… Cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo định hướng quy hoạch vùng và phù hợp với thổ nhưỡng. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hoạch xong diện tích cây vải thiều, ước sản lượng vải thiều đạt 204.766 tấn bằng 102,6% so năm trước (tăng 5.197 tấn).

Về chăn nuôi, đàn vật nuôi như trâu, bò, lợn vẫn có xu hướng giảm so với năm trước; đàn gia cầm có chiều hướng tăng (chủ yếu đàn gà). Trong tháng, tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi được cơ quan thú y quan tâm thực hiện nghiêm túc; công tác vệ sinh môi trường sản xuất, tiêu độc, khử trùng được thực hiện tốt; không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Ước tính đến ngày 15/8/2023, tổng đàn trâu đạt 30.710 con, bằng 96% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò ước đạt 109.382 con, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ước đàn lợn toàn tỉnh đạt 880,2 nghìn con, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số con xuất chuồng 8 tháng ước đạt trên 1,14 triệu con, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm trước… Đàn gia cầm ổn định và có tăng trưởng do nhu cầu cao và giá bán ổn định ở mức cao, ước tính toàn tỉnh hiện có trên 19,2 triệu con bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản xuất lâm nghiệp

Công tác trồng rừng: Trong tháng, các đơn vị tiếp tục tập trung vào việc chăm sóc rừng trồng, trồng mới những khu vực rừng đã khai thác. Ước 8 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 6.875 ha, bằng 101,3% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng chủ yếu ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế; chủ yếu là các giống: Keo lai, keo tai tượng, bạch đàn lai... Tháng 8, sản lượng khai thác gỗ ước đạt 75.142 m3 bằng 103,5% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng khai thác gỗ 8 tháng đạt 565.029 m3 bằng 103,2% so với cùng kỳ. Trong tháng 8, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.

8 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 6.875 ha, bằng 101,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất thủy sản

Trong tháng, lượng mưa xuất hiện nhiều và rải đều trên địa bàn toàn tỉnh, không gây ngập úng cục bộ, đảm bảo mặt nước cho hoạt động nuôi. Ước tính sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng đạt 4.349 tấn, bằng 104,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 35,07 nghìn tấn, bằng 104% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng đạt 4.128,3 tấn, bằng 104,3%; sản lượng thủy sản khai thác trong tháng đạt 220,7 tấn, bằng 97,1% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 8 năm 2023 vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng, tuy nhiên một số lĩnh vực sản xuất vẫn bị ảnh hưởng như linh kiện điện tử, may mặc, sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy... do sự suy thoái kinh tế chung toàn cầu nên chưa đạt được sự tăng trưởng như kỳ vọng, cụ thể: Ngành khai khoáng có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 bằng 97,67% so với tháng trước và bằng 95,73% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,69% so với tháng trước và tăng 16,73% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 25,43% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ;…

Tuy nhiên vẫn còn một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất giảm như: Ngành khai thác than cứng và than non ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2023 giảm 4,27%, do sản phẩm của Công ty than 45 có sản phẩm than nhập khẩu từ tổng công ty phân bổ về nên sản lượng than sản xuất giảm; ngành sản xuất trang phục chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2023 giảm 17,99%, do đơn đặt hàng giảm cũng như khủng hoảng nền kinh tế nên nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 15,92% so với cùng kỳ.

3. Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiều giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên các chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà nước triển khai các dự án vẫn còn chậm, chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và nhựa đường vẫn giữ ở mức cao, làm tăng chi phí,… Vốn đầu tư thực hiện thuộc vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự tính trong tháng tiếp tục tăng so với tháng trước, song giảm so với cùng kỳ, cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8/2023 ước đạt 739,8 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và giảm 21,6% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý đạt 353 tỷ đồng, tăng 8,1% so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý đạt 358,6 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và giảm 27,1% so với cùng kỳ;... Tính chung 8 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.491,5 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

4. Giao thông, bưu điện

Vận tải và kho bãi

Hoạt động vận tải, kho bãi tháng 8/2023 mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng hoạt động vận tải trên địa bàn vẫn giữ được sự ổn định do nhu cầu đi lại và hoạt động vận chuyển hàng hóa cho sản xuất vẫn gia tăng; doanh thu vận tải, kho bãi tháng 8 ước đạt 695,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 16,1%. Tính chung 8 tháng doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 5.392,3 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ, cụ thể: Vận tải hành khách tháng 8/2023 ước tính doanh thu đạt 139,4 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 2.818 nghìn lượt khách, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.075,5 tỷ đồng, tăng 39,8% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa tháng 8/2023 ước tính doanh thu đạt 534,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa ước đạt 4.952 nghìn tấn, tăng 11,0% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng ước tính doanh thu đạt 4.147,9 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Về Bưu chính viễn thông

Trong tháng, ngành đã tăng cường chỉ đạo điều hành khai thác mạng lưới thông tin bưu chính, viễn thông, thực hiện phương án phân tải, phân lượng, xây dựng và củng cố hạ tầng công nghệ thông tin nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng nghẽn mạng; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân. Tiếp tục xây dựng Trung tâm dữ liệu chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh; xây dựng, phát triển cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang năm 2023; duy trì và vận hành tốt hoạt động các hệ thống thư công vụ, phần mềm một cửa điện tử, hệ thống CSDL Quốc gia về khiếu nại, tố cáo,… Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông tháng 8/2023 ước đạt 223 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu bưu chính, viễn thông 8 tháng ước đạt 1.853 tỷ đồng. Tổng số thuê bao hiện đang hoạt động đạt hơn 1,9 triệu thuê bao. Tổng số vị trí lắp đặt trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh là 1.583 trạm.

Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông tháng 8/2023 ước đạt 223 tỷ đồng.

5. Thương mại, giá cả

Tổng mức bán lẻ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 3.616 tỷ đồng tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước như: Lương thực, thực phẩm tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ; nhóm hàng xăng dầu các loại tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 26,0% so với cùng kỳ; nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ,... Còn lại một số nhóm mặt hàng đều tăng so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ, như: Nhóm hàng may mặc tăng 7,2% so với tháng trước, giảm 4,4% so với cùng kỳ; nhóm hàng đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng 0,5% so với tháng trước, giảm 3,2% so với cùng kỳ... Nguyên nhân do đến nay, dịch bệnh được kiểm soát nên nhu cầu tiêu thụ của người dân, doanh nghiệp dần hồi phục... Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 26.065,1 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023 tăng 0,69% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,73%, khu vực nông thôn tăng 0,68%, phản ánh được các chính sách của Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát cũng như chính sách vĩ mô có hiệu quả. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có 05 nhóm có chỉ số giá tăng: Nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm Giao thông, tăng 4,33% so với tháng trước do tác động bởi các đợt điều chỉnh giá xăng bình quân tăng 9,97%, giá dầu tăng bình quân 15,91%; tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%, tăng chủ yếu do giá lương thực tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,41%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,24%,… Trong tháng có 05 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,07%; giảm tiếp theo là nhóm thiết bị đồ dùng gia đình giảm 0,39%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,1%,… Tính chung 8 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,26%, do các yếu tố như nhóm giáo dục bình quân tăng 22,27%; tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,41%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,87%,…

6. Tài chính, ngân hàng

Hoạt động tài chính

Về Thu: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 8 ước thực hiện 662 tỷ đồng, tính chung 8 tháng ước thực hiện 8.443 tỷ đồng, bằng 64,3% so với dự toán và bằng 73,9% so với cùng kỳ; trong đó một số lĩnh vực thu đạt khá như: Thu từ thuế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.128,6 tỷ đồng, bằng 127,3% so với kế hoạch và gấp 2,5 lần so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 52,1 tỷ đồng, bằng 86,8% so với dự toán và bằng 128% so với cùng kỳ; thu thuế từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 1.090,3 tỷ đồng, bằng 66,1% so với dự toán và bằng 100,8% so với cùng kỳ; thu từ tiền thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 251,1 tỷ đồng, bằng 69,8% so với dự toán và bằng 120,7% so với cùng kỳ,... Tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực thu đạt thấp như: Thu lệ phí trước bạ ước đạt 355,6 tỷ đồng, bằng 54,4% so với dự toán và bằng 58,9% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.668,5 tỷ đồng, bằng 44,5% so với dự toán và bằng 40% so với cùng kỳ; thu từ thuế bảo vệ môi trường ước đạt 169 tỷ đồng, bằng 35,2% so với dự toán và bằng 58,9% so với cùng kỳ,...

Về chi: Dự tính tháng 8, tình hình chi ngân sách của địa phương cơ bản đã đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Hoạt động ngân hàng

Trong tháng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc quy định chỉ đạo về lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và áp dụng ngay giảm lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động khi có văn bản chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước; thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, luôn quan tâm chăm sóc khách hàng, đổi mới phong cách giao dịch, phục vụ chu đáo, tận tình, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Công tác huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động ước đến 31/8/2023 đạt 100.500 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước; trong đó: Tiền gửi của tổ chức kinh tế ước đạt 18.714 tỷ đồng, bằng 105,6% so với tháng trước; tiền gửi dân cư ước đạt 81.786 tỷ đồng, bằng 100,6% so với tháng trước. Công tác cho vay: Dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng, ước đến 31/8/2023, dư nợ cho vay đạt 84.600 tỷ đồng, bằng 101% so với tháng trước, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 55.204 tỷ đồng, bằng 101,2% so với tháng trước; dư nợ trung và dài hạn ước đạt 29.396 tỷ đồng, bằng 100,8% so với tháng trước; dư nợ cho vay ngành công nghiệp ước đạt 15.700 tỷ đồng, bằng 100,8% so với tháng trước. Trong tháng, Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước đã thực hiện tốt công tác thu, chi tiền mặt đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

7. Một số vấn đề xã hội

Công tác giải quyết việc làm và hỗ trợ người lao động

Trong tháng, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được triển khai thực hiện có hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan tăng cường nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh đã tích cực thực hiện hỗ trợ, thông tin tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở đã tham mưu ra Quyết định hỗ trợ cho 05 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với số tiền 35.320.000 đồng; hỗ trợ cho 04 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động với số tiền 31.680.000 đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, lưu động, online. Tính đến hết tháng 8/2023 đã tạo việc làm mới cho 21.968 lao động, đạt 67,59% kế hoạch năm.

Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Tình hình đời sống dân cư trong tỉnh cơ bản ổn định, không có hiện tượng thiếu đói giáp hạt xảy ra. Công tác chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị được Công đoàn các cấp quan tâm. Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp tiếp tục tạo nguồn việc làm ổn định với mức thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động, các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thuận lợi đã mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân, từ đó đời sống của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện và nâng cao hơn so với trước. Công tác an sinh xã hội, quản lý, chăm sóc, giải quyết chế độ chính sách đối với Người có công (NCC) được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trong tháng, Sở Lao động, thương binh và Xã hội tỉnh đã ban hành quyết định trợ cấp hàng tháng với NCC và thân nhân của họ cho 26 trường hợp; ra quyết định trợ cấp 1 lần đối với 158 trường hợp; ra quyết định trợ cấp 1 lần và mai táng phí cho 227 trường hợp;…

Tình hình Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân

Trong tháng 8, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh không có diễn biến phức tạp. Ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chống tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường giám sát, sàng lọc để kịp thời phát hiện ca mắc; dự báo đúng diễn biến tình hình để triển khai biện pháp ứng phó phù hợp. Sở Y tế tỉnh tiếp tục ban hành nhiều văn bản kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bệnh truyền nhiễm được phát hiện rải rác trong cộng đồng, trong tháng ghi nhận 1.149 lượt mắc bệnh của 10 bệnh truyền nhiễm trong số 27 bệnh được giám sát, tương đương với tháng trước, giảm 370 ca so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 8, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra.

Các cơ sở y tế đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao; các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, hạn chế tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ngành Y tế tiếp tục tập trung triển khai phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, làm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan rộng của dịch bệnh. Trong tháng, số lượt khám chữa bệnh là 162.641 lượt (tuyến tỉnh: 56.078, tuyến huyện: 106.563) bằng 106% so với cùng kỳ năm 2022.

Công tác giáo dục và đào tạo

Các hoạt động Giáo dục được triển khai trong tháng: Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV) mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đối với giáo dục tiểu học, chỉ đạo tổ chức các trường tiểu học bồi dưỡng sách giáo khoa lớp 4 cho CBQL và GV lớp 1,2,4,5; tổ chức cho GV làm bài thu hoạch bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 4 năm học 2023-2024; chỉ đạo các trường học hoàn thiện hồ sơ phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2… Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định kế hoạch thời gian năm học, theo đó ngày tựu trường các cấp học là ngày 29/8/2023; riêng đối với lớp 1 tựu trường ngày 22/8/2023.

Hoạt động văn hóa - thể dục thể thao

Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi. Công tác tuyên truyền được thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023). Một số hoạt động sự nghiệp nổi bật trong tháng như: Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức khảo sát, đề xuất lắp đặt các tấm Pano lớn tại các tuyến đường cửa ngõ của tỉnh; tuyên truyền trực quan và biểu diễn 07 buổi văn nghệ và 36 buổi chiếu phim lưu động. Nhà hát Chèo biểu diễn 09 chương trình nghệ thuật phục vụ Người có công và nhân dân các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng;… Các hoạt động thể thao nổi bật diễn ra trong tháng như: Đăng cai tổ chức thành công giải vô địch Cầu mây trẻ quốc gia năm 2023 với sự tham gia của gần 200 vận động viên (VĐV) của 10 tỉnh, thành phố, ngành; tổ chức Giải vô địch Cầu lông các nhóm tuổi tỉnh Bắc Giang năm 2023. Tập huấn và tham gia thi đấu Giải vô địch trẻ Đẩy gậy quốc gia năm 2023, giành 03 HCV, 08 HCB, 02 HCĐ; Giải Kéo co giành được 02 HCV, 02 HCB, 03 HCĐ; giải Cầu lông, Bóng bàn toàn quốc, giành 03 HCV, 04 HCB và 05 HCĐ. Về lĩnh vực du lịch: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch tỉnh Bắc Giang trên Trang thông tin điện tử du lịch, trang Zalo và Cổng du lịch thông minh tỉnh: Cập nhật, đăng tải 40 tin, bài giới thiệu, quảng bá về tình hình hoạt động các khu, điểm du lịch; tuyên truyền kỷ niệm 63 năm Ngày Du lịch Việt Nam…

Hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Trong tháng, lực lượng công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và hoạt động đi lại của học sinh, sinh viên. Tình hình an ninh trật tự trên tuyến đường sắt được đảm bảo, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại các đường ngang. Các lều quán, mái che, mái vẩy, biển quảng cáo vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đều được tháo dỡ. Nhìn chung, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tháng được thực hiện tốt. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã xử lý 4.374 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.394 phương tiện các loại; tước GPLX có thời hạn 1.652 trường hợp; thu nộp ngân sách 11,6 tỷ đồng.

Tai nạn giao thông: Tính từ ngày 15/7/2023 đến ngày 14/8/2023, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, làm bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 02 vụ (11,8%); số người chết tăng 07 người (140%); số người bị thương giảm 03 người (-23,1%). Tính chung 8 tháng, toàn tỉnh xảy ra 157 vụ tai nạn giao thông, làm chết 78 người, làm bị thương 103 người.

An ninh chính trị: Nhìn chung tình hình an ninh chính trị trong tháng cơ bản ổn định; trong tháng trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý 01 vụ vi phạm về môi trường với tổng số tiền xử phạt là 7 triệu đồng, tổng số vụ vi phạm trong 8 tháng đầu năm là 95 vụ và xử phạt 2.162,5 triệu đồng./.

(Huyền Giang)

 

Trung bình (0 Bình chọn)