Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang tháng 9 và 9 tháng năm 2020

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang đạt được trên các mặt, cụ thể:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Nông nghiệp

Về trồng trọt, từ đầu năm đến nay, thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển và thu hoạch, công tác thủy lợi được quan tâm chỉ đạo tích cực. Các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Các loại cây lâu năm chuyển dịch theo hướng giảm diện tích vải thiều, tăng diện tích cam, bưởi và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế khác.

Về chăn nuôi, công tác nắm bắt tình hình, kiểm soát phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đàn gia súc vẫn có xu hướng giảm, đàn lợn tăng khá, đàn gia cầm phát triển tương đối ổn định.

Lâm nghiệp

Kết quả ước tính 9 tháng, toàn tỉnh đã trồng được 7.465 ha rừng tập trung, bằng 101% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán ước đạt 2.979 ngàn cây, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Về sản lượng gỗ khai thác ước tháng 9 đạt 65.580 m3, bằng 105,9% so với cùng kỳ, nâng tổng sản lượng gỗ khai thác 9 tháng ước đạt 494.750 m3, bằng 105,1% so với cùng kỳ;… Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, tuy nhiên từ đầu năm đến nay trên địa bàn vẫn xảy ra 06 vụ cháy rừng (trong tháng 9 không có vụ cháy rừng nào), với diện tích rừng bị thiệt hại 6,2 ha; nguyên nhân cháy rừng chủ yếu là do sự chủ quan trong nhận thức của người dân và chưa thực hiện tốt về công tác phòng chống cháy rừng của các chủ rừng.

Thủy sản

Tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2020, thời tiết tương đối thuận, cùng với việc tích cực chủ động nguồn nước đảm bảo mặt nước cho việc nuôi trồng thủy sản, kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt khá, cụ thể: Tháng 9, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 4.976,1 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ (sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4.673,1 tấn, bằng 104,7% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 303 tấn, bằng 98,5% so với cùng kỳ). Tính chung 9 tháng tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 35.279,6 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ (sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 32.767,6 tấn, bằng 104,7% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.512 tấn, bằng 97,9% so với cùng kỳ).

2. Sản xuất công nghiệp - xây dựng

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2020 tăng 8,32% so với tháng trước và tăng 27,19% so với cùng kỳ, đóng góp chính đến tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp, chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể: Ngành khai khoáng có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 17,57% so với tháng trước và bằng 73,47% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,32% so với tháng trước và tăng 28,27% so với cùng kỳ;…

Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 16,8% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng 17,02%; ngành khai khoáng tăng 1,03%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,15%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 22,71%. Một số ngành phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã đáp ứng kịp thời cho sản xuất như: Ngành may mặc, ngành sản xuất linh kiện điện tử, ngành sản xuất thiết bị điện, góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.

Hoạt động xây dựng

Tình hình hoạt động xây dựng 9 tháng năm 2020 có mức tăng trưởng khá (tăng 11,2%) so với cùng kỳ, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là các hộ dân cư (tỷ trọng 52%), tăng 10,3%; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh (tỷ trọng 43,4%), tăng 11,73%. Đạt được mức tăng trưởng trên là do giá cả nguyên vật liệu ít biến động; việc thi công và giải ngân các công trình trọng điểm đảm bảo đúng tiến độ; chính sách lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay, nên nhiều doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng.

3. Thực hiện vốn đầu tư

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; tiếp tục tập trung cao cho công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; các hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp phát huy hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với tăng cường thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện quý III đạt 14.843,7 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 9 tháng đầu năm ước đạt 37.068,9 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ… Một số dự án trọng điểm có tiến độ thực hiện khá như: đường tỉnh 295 (đoạn Vôi - Bến Tuần và Ngọc Châu - thị trấn Thắng), Khối nhà trung tâm, khối nhà chuyên khoa đặc thù, khoa truyền nhiễm và các hạng mục phụ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang,…

4. Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Giao thông vận tải

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 9 ước đạt 477,8 tỷ đồng, bằng 108,7% so với cùng kỳ. Tính chung doanh thu vận tải, kho bãi 9 tháng ước đạt 3.362,7 tỷ đồng, bằng 88,4% so với cùng kỳ, trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 9/2020 ước đạt 383,3 tỷ đồng, bằng 122,9% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 9 ước đạt 3.708 nghìn tấn, bằng 122,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.630,7 tỷ đồng, bằng 97,6% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 25.054 nghìn tấn, bằng 95,8% so với cùng kỳ;…

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 9 ước đạt 477,8 tỷ đồng, bằng 108,7% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 9/2020 ước đạt 79,5 tỷ đồng, bằng 71,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.810 nghìn người, bằng 71,5% so với cùng kỳ… Tính chung 9 tháng doanh thu vận tải hành khách ước đạt 610,9 tỷ đồng, bằng 63,9% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 13.451 nghìn người, bằng 62,8% so với cùng kỳ.

Bưu chính, viễn thông

Trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành Bưu chính viễn thông trên địa bàn đã đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân; chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng lên; các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng lưới, mở rộng các loại hình dịch vụ, nâng cao và đáp ứng tốt chất lượng phục vụ.

Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông quý III ước đạt 549 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu 9 tháng ước đạt 1.660 tỷ đồng, cụ thể: Doanh thu bưu chính quý III ước đạt 105 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu 9 tháng ước đạt 360 tỷ đồng. Tổng số điểm phục vụ của các doanh nghiệp bưu chính hiện tại là 258 điểm;…Tổng doanh thu viễn thông, internet quý III ước đạt 400 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu 9 tháng đạt 1.300 tỷ đồng; thuê bao điện thoại ước đạt 1.660.050 thuê bao, thuê bao Internet (cố định, di động) ước đạt 1.338.250 thuê bao. Tổng vị trí lắp đặt trạm BTS đến nay trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.420 trạm.

5. Hoạt động thương mại

Tổng mức bán lẻ

Tháng 9/2020, dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, song với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tổng mức bán lẻ tiếp tục có được đà tăng trưởng trở lại, ước đạt 2.385,8 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó có một số nhóm hàng tăng, như: Lương thực, thực phẩm tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ.

Một số ngành công nghiệp chưa lấy lại được đà tăng trưởng đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, do đó, người dân vẫn có xu hướng chi tiêu tiết kiệm. Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang.

Tính chung 9 tháng ước đạt 18.876,9 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu ở một số nhóm hàng, như: Nhóm ô tô con giảm 17,6% so với cùng kỳ; nhóm phương tiện đi lại giảm 14,6%; nhóm xăng dầu các loại giảm 21,7%. Nguyên nhân giảm chủ yếu do người dân hạn chế tiêu dùng một số nhóm hàng không phải thiết yếu làm cho sức mua giảm.

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 0,1% so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng 4,77% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ thì có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, tăng 17,04%, trong đó thực phẩm tăng 22,42%, tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng; ngoài ra còn có các nhóm sau tăng, như: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,39%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,99%; nhóm giáo dục tăng 4,67%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,77%.

Bình quân 9 tháng đầu năm có 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, cụ thể: Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 1,63%; nhóm giao thông giảm 12,4%, giảm mạnh nhất do giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian qua, mặt khác giá ôtô, xe máy cũng giảm nên kéo theo chỉ số giá nhóm này giảm; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,78%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 5,54%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình giảm 1,75%.

6. Tài chính, ngân hàng

Hoạt động tài chính

Công tác thu ngân sách được triển khai đồng bộ, quyết liệt, vừa đảm bảo thu đúng, đủ kịp thời các khoản thu, vừa thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai rà soát, đánh giá một số nguồn thu chưa được quản lý chặt chẽ như thu từ kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng vốn, các khoản thu từ đất... Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 5.966,4 tỷ đồng, đạt 67,3% dự toán, bằng 78,9% cùng kỳ… Công tác điều hành chi NSNN 9 tháng đầu năm 2020 đảm bảo thực hiện theo đúng dự toán; đảm bảo bố trí kinh phí đủ cho thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, như bố trí kinh phí phòng chống dịch tả lợn châu Phi; phòng, chống dịch Covid-19. Công tác giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai tích cực.

Hoạt động ngân hàng

Thực hiện những chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn của Đảng, Chính phủ, hoạt động ngân hàng của tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về huy động và lãi suất, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, mức độ rủi ro của khoản vay và chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công tác thu chi tiền mặt trên địa bàn ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Ảnh minh họa: BGP/ Huyền Giang

Trong 6 tháng đầu năm, các Ngân hàng thương mại và Quĩ tín dụng nhân dân tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, cụ thể ước đến 30/9/2020, vốn huy động đạt 65.500 tỷ đồng, tăng 15,6% so với 31/12/2019. Trong đó, tiền gửi dân cư ước đạt 55.300 tỷ đồng, tăng 18,8%; nguồn tiền gửi ngắn hạn tăng 1,9%; tiền gửi trung và dài hạn tăng 43,3%. So với 31/12/2019, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng, ước đến 30/9/2020 dư nợ tín dụng đạt 55.370 tỷ đồng, tăng 5%. Tổng nợ xấu ước đến 30/9/2020 là 420 tỷ đồng, chiếm 0,76% trên tổng dư nợ, giảm 0,04% so với 31/12/2019.

7. Một số vấn đề xã hội

Lao động và việc làm

Tháng 9, tình hình hỗ trợ người lao động và giải quyết việc làm tiếp tục được triển khai có hiệu quả, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm định kỳ; phối hợp tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm chuyên đề xuất khẩu lao động; 01 phiên giao dịch việc làm online kết nối 08 tỉnh;… 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ước tạo việc làm mới cho 22.500 lao động (trong nước là 20.950 người, đạt 76,7% kế hoạch và giảm 5,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu lao động là 1.550 người đạt 48,4% kế hoạch, giảm 46,6% so với cùng kỳ).

Đời sống các tầng lớp dân cư

Trong tháng 9 và 9 tháng qua, nhìn chung đời sống các tầng lớp dân cư trong tỉnh cơ bản ổn định; hiện tượng thiếu đói giáp hạt trong dân không xảy ra.

Công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 15.812 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn xóa đói giảm nghèo với tổng kinh phí 823.032 triệu đồng; số người nghèo được cấp thẻ BHXH là 226.023 người với kinh phí 45.465 triệu đồng; tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng là 60.360 người; tổng đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội là 232 người.

Trong tháng, công tác người có công được giải quyết kịp thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hóa và thể dục thể thao

Trong 9 tháng đầu năm 2020, công tác văn hóa, thể thao được chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: Tăng cường tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và các ngày lễ, kỷ niệm năm 2020; tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, di tích được tập trung cao; kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch. Tổ chức biểu diễn 50 buổi chương trình ca, múa, nhạc và 26 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân. Phong trào thể dục thể thao tiếp tục phát triển, đảm bảo an toàn, ứng phó với dịch bệnh…

Sự nghiệp Y tế

Công tác Y tế từ đầu năm đến nay luôn được quan tâm, chỉ đạo đặc biệt là tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhìn chung các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ.

Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng lên; tiếp tục triển khai công tác khám, chữa bệnh an toàn phòng chống dịch Covid-19; tăng cường công tác quản lý bệnh nhân, người nhà và các dịch vụ thuê khoán ngoài tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Kết quả khám, chữa bệnh ước 9 tháng đầu năm đã có 1.820.807 lượt (tuyến tỉnh: 443.827 lượt; tuyến huyện: 901.193 lượt; tuyến xã: 475.787 lượt) người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế…

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Các hoạt động giáo dục được tập trung, đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2019-2020 và năm 2020. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2020-2025; Quy định các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuyên truyền, tuân thủ nghiêm túc, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” với quyết tâm “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”; vừa tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục năm học 2020-2021, vừa tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Về trật tự an toàn xã hội

Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tình hình mới; triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2020-2021; tổ chức điều tra cơ bản trên lĩnh vực đường sắt của lực lượng Cảnh sát giao thông;… Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3.422 trường hợp vi phạm, tạm giữ 844 phương tiện các loại, tước có thời hạn 381 giấy phép lái xe, thu nộp Kho bạc Nhà nước 3,8 tỷ đồng.

Tính từ ngày 15/8/2020 đến 14/9/2020, tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bản tỉnh là 39 vụ (tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm trước); số người bị chết 17 người (tăng 07 người so với cùng kỳ), số người bị thương 35 người (tăng 11 người so với cùng kỳ). Tổng 9 tháng đầu năm 2020 xảy ra 242 vụ tai nạn giao thông (giảm 62 vụ so với cùng kỳ); số người bị chết 131 người (giảm 21 người so với cùng kỳ); số người bị thương 190 người (giảm 77 người so với cùng kỳ năm).

Nhìn chung trong tháng, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định và giữ vững. Tình hình vi phạm môi trường đã phát hiện và xử lý 15 vụ và xử phạt 152 triệu đồng, nâng tổng số vụ vi phạm môi trường 9 tháng đầu năm lên 179 vụ và xử phạt 2.022 triệu đồng.

(Huyền Giang)

Trung bình (0 Bình chọn)