Trao đổi: Giải pháp thu hút đầu tư cho nông nghiệp ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm qua, thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như trực tiếp nước ngoài vào địa bàn tăng nhanh. Tuy nhiên, cơ cấu vốn đầu tư vẫn chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ còn nông nghiệp hiện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành kinh tế

Xác định thu hút các nguồn vốn đầu tư là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh nên những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tăng cường xúc tiến đầu tư, “trải thảm đỏ” bằng các cơ chế, chính sách mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn. Nhờ có chủ trương đúng đắn và những biện pháp phù hợp nên sau 10 năm tái lập tỉnh, đến hết năm 2006, trên địa bàn  thu hút đầu tư đạt mức kỷ lục với 79 dự án đầu tư trong nước có số vốn đăng ký 3,6 nghìn tỷ đồng, 13 dự án FDI với số vốn 149 triệu USD. Đặc biệt chỉ trong bốn tháng đầu năm 2008, đã có 58 dự án trong nước được chấp thuận đầu tư với số vốn trên 4.276 tỷ đồng, 10 dự án FDI và bổ sung 2 dự án với số vốn trên 60,3 triệu USD. Thu hút đầu tư vào địa bàn ngày càng tăng cùng với khả năng sản xuất và chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp Bắc Giang đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên cơ cấu thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực sản xuất hiện chưa hợp lý, chủ yếu tập trung vào thương mại dịch vụ, công nghiệp… trong khi ngành nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì thu hút vốn đầu tư rất khiêm tốn. Đặc biệt cho đến thời điểm này chưa có dự án FDI vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn được chấp thuận. Thống kê của Phòng Hợp tác và Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) từ năm 2002 đến nay, các dự án trong nước được chấp thuận đầu tư vào địa bàn chủ yếu là may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, nhựa, giấy, da giầy, dịch vụ du lịch - vui chơi giải trí… Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng tập trung vào lĩnh vực may mặc, bao bì, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử… Trong khi đó dự án đầu tư cho nông, lâm nghiệp có số lượng ít và quy mô nhỏ lẻ. Chỉ tính năm 2007 (năm có số vốn thu hút đầu tư cao nhất từ trước tới nay), trong số 80 dự án trong nước được chấp thuận đầu tư chỉ có 7 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp là chăn nuôi lợn hướng nạc, bò, thuỷ sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, rau sạch, chế biến rau quả xuất khẩu... với số vốn đăng ký khoảng 250 tỷ đồng…

Thu hút đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như đóng góp của ngành nông nghiệp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn ít được nhiều nhà quản lý cũng như chủ đầu tư lý giải do lĩnh vực này thường gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thu hồi vốn đầu tư chậm, hiệu quả không cao. Ngoài ra một số nhà đầu tư khi khảo sát cũng gặp những khó khăn không thể tháo gỡ như thiếu đất để xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn lao động có kỹ năng, trình độ cao. Vì vậy các doanh nghiệp thường tập trung các dự án thu hồi vốn nhanh như sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến nông lâm sản thay vì triển khai các dự án sản xuất và chế biến các loại rau quả chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, lai tạo giống cây trồng vật nuôi mới. Hiện tại một số dự án sản xuất và chế biến rau quả thực phẩm xuất khẩu đang hoạt động trên địa bàn luôn ở trong tình trạng thiếu nguyên liệu, việc mở rộng vùng sản xuất chủ yếu tập trung ngoài tỉnh. Bên cạnh những lý do trên còn do thiếu chiến lược trong thu hút FDI dài hạn, hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hầu như không hoạt động khiến các nhà đầu tư ngại ngần khi đổ tiền đầu tư vào nông nghiệp. Đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu nước ngoài thì chất lượng sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu để quyết định đầu tư.

Thu hút đầu tư cho nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc bởi đa số người dân của tỉnh sống ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, định hướng phát triển và thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đến năm 2010 là chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hoá, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao; chăn nuôi đại gia súc, thuỷ sản theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ sinh học, dự án bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, sản xuất giống chất lượng cao. Để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp đúng định hướng cần tiếp tục điều chỉnh và bổ sung quy hoạch, hoàn thiện về cơ chế và chính sách đầu tư cho nông nghiệp như hỗ trợ ưu đãi, tín dụng, đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại… Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng các loại nông, lâm, thuỷ sản có thế mạnh như rau chế biến, vải thiều, gỗ nguyên liệu, lợn hướng nạc, gia cầm qua việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân. Điều quan trọng là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Bắc Giang.

Trung bình (0 Bình chọn)