UNDP công bố danh sách Top 200 DN Việt Nam.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 01/10/2007, UNDP đã công bố báo cáo đối thoại chính sách, theo đó, danh sách 200 DN lớn nhất VN đã được các nhà nghiên cứu đưa ra dựa trên kết quả điều tra gần 113 nghìn DN tại Việt Nam.

* Lớn ở VN nhưng chỉ là vừa và nhỏ trên thế giới

200 DN lớn nhất này chiếm một tỷ lệ lớn lao động, tài sản, doanh thu và thuế trong mọi hình thức sở hữu và mọi ngành ở VN. Chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn về lao động là 15%, nhưng 200 DN này đã chiếm tới 40% tài sản, hơn 25% doanh thu và gần 45% tiền thuế nộp Nhà nước.

 

Danh sách Top 200 trong nước (loại bớt các DN 100% sở hữu nước ngoài để tập trung vào các DNVN) chủ yếu là các DN nhà nước.

Các DNNN thu hút đầu tư lớn, chiếm lượng vốn lớn nhưng lại không tạo thêm nhiều việc làm. Năm 2006, các DNNN chỉ đóng góp 5% lượng công việc được tạo thêm. Trong khi đó, với một nước có lực lượng lao động trẻ của VN, yêu cầu tạo ra công việc mới phải là một ưu tiên.

Trong top 200, ngân hàng và dầu khí là hai lĩnh vực đóng góp nhiều DN lớn. Theo TS. Pincuss - chuyên gia kinh tế của UNDP, đây cũng là đặc điểm chung trong xếp hạng DN của các nước.

Các DN này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam cho biết: “Các công ty lớn đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của các nước mới công nghiệp hoá như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Điều đó cũng đúng ở Việt Nam."

Các công ty lớn có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và có thể đi đầu về công nghệ, sản phẩm, và chính họ làm tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng, vốn và lực lượng lao động lành nghề. Các công ty đang đáp ứng được với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và họ cũng đang đa dạng hoá chất lượng sản phẩm trên thị các trường phức tạp mới. 

Tuy nhiên, các chuyên gia của LHQ cũng khẳng định: dù lớn nhất VN nhưng nhóm các DN này chỉ tương đương nhóm các DN vừa và nhỏ trên thế giới.

* DN cần được hỗ trợ để cạnh tranh 

20 DN hàng đầu trong Top 200

1. Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN

2. Tổng Công ty Bưu chính viễn thông VN

3. Tổng Công ty Điện lực VN

4. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN

5. Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô

6. Ngân hàng Ngoại thương VN

7. Công ty TNHH Pouyen VN

8. Tổng Công ty bảo hiểm VN

9. Bưu điện TP.HCM

10. Tổng Công ty Viễn thông Quân đội

11. Tổng Công ty Đường sắt VN

12. Công ty Gang thép Thái Nguyên

13. Công ty TNHH Canon VN

14. Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ FPT

15. Công ty Sữa VN

16. Công ty Thép miền Nam

17. Công ty Thông tin Di động

18. Công ty TNHH Công nghiệp Tae Kwang Vina

19. VP Tổng Công ty Giấy VN

20. Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu VN
Phỏng vấn ban giám đốc của 86 doanh nghiệp lớn, nhóm nghiên cứu của UNDP đã trực tiếp lắng nghe các DN nói về những chiến lược phát triển mà họ đã áp dụng cũng như những khó khăn họ gặp phải. 

Các DN cho biết, họ đã áp dụng 3 chiến lược lớn để nâng cao tính cạnh tranh: cải thiện các hoạt động kinh doanh chính: mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hoá các lĩnh vực kinh doanh như bất động sản, du lịch hoặc đầu tư vào các thị trường vốn đang lên khác. 

"Tuy nhiên thành công của các chiến lược này còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận với các công nghệ, vào nguồn nhân lực có tay nghề, các lĩnh vực kinh doanh mới cũng như các nguồn đầu tư mang tính đầu cơ không ổn định”, nhóm nghiên cứu UNDP cho biết.

Các DN VN dù được đánh giá là năng động và tham vọng, nhưng theo các chuyên gia, khi nền kinh tế đã được mở cửa thì các công ty này vẫn cần có sự hỗ trợ để có thể cạnh tranh trên thị trường. 

Để vươn lên trở thành các DN có tầm tương đối so với thế giới, các DN sẽ cần một khoảng thời gian dài với chiến lược phát triển và cạnh tranh tốt. Các DN cũng cần thêm nhiều trợ giúp từ phía Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiếp cận công nghệ. "Giáo dục đào tạo là chìa khóa", báo cáo nhấn mạnh.

Chính phủ cũng nên cải tổ lại những chính sách ưu đãi khuyến khích để các doanh nghiệp lớn không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn đầu tư mang tính đầu cơ để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận, các chuyên gia khuyến nghị.

Trung bình (0 Bình chọn)