Ứng dụng khoa học công nghệ để làm giàu.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Không chỉ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng mà còn ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm hàng hoá có thu nhập cao. Đó chính là bí quyết làm giàu của nhiều hộ nông dân ở huyện Tân Yên.

Vừa bước chân vào nhà anh Khuất Văn Phương ở khu Tân Hoà, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, chúng tôi đã cảm nhận được hương thơm nồng của một loại trái cây đang qua lửa. Ngay gian giữa nhà anh cũng có tới vài chục bao tải đóng cứng hàng xếp chống chất chờ xuất ra thị trường.

 

Chúng tôi đến nơi đặt những lò sấy đang đỏ lửa, trên xếp đầy những lát quả chay và tai chua. Qua trò truyện anh Phương cho biết hiện tại gia đình anh đang có 4 lò sấy, ngoài ra còn một số lò đặt ở những điểm khác đều đang hoạt động hết công suất. Chay và quả tai chua tươi mua từ các tỉnh lân cận chở về, được thợ thái lát mỏng sau đó đem sấy khô và xuất bán. Bình quân 10 kg tai chua tươi sấy được 1 kg khô, với quả chay thì 8 kg tươi cho 1 kg khô. Qua sơ chế, sấy khô và bán ra 1 kg thu lãi trên 3000 đồng. “Nghề này gia đình tôi đã có từ lâu, tuy nhiên trước đây các cụ chỉ trông vào nắng để phơi do đó không được bao nhiều và rất thất thường” - Anh Phương cho biết vậy. Ban đầu, từ việc chỉ phơi sản phẩm qua nắng, anh nảy ra ý tưởng xây lò sấy đốt bằng than bùn nhờ vậy chủ động hơn trong công việc. Tuy nhiên, kiểu lò này có nhược điểm tốn nguyên liệu, nhiệt không đều, độc hại và công đảo sản phẩm rất vất vả. Thuê 4 lao động, tiền công 1,5 triệu đồng/tháng mà ai cũng ái ngại vì làm việc thường xuyên bên lò rất nóng.

 

Từ đầu năm 2006, khi biết Trung tâm Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCN & MT)  huyện Tân Yên có hỗ trợ nông dân xây lò sấy vải cải tiến, anh Phương đã liên hệ, tìm hiểu. Anh  tâm sự: “Tính tôi thấy cái gì mới, có vẻ phù hợp với nghề của mình là xông vào tìm hiểu ngay. Như cái máy thái quả này vốn dĩ nó là máy thái rau lợn, được cải tiến lại, mất khối công sức và tốn trên 2 triệu mới thành. Được cái máy thái ra lát đều, nhanh và giảm đáng kể số công lao động”.

 

Tiếp cận với chương trình lò cải tiến, anh Phương cho phá ngay 2 lò kiểu cũ để lấy diện tích xây 2 lò mới, mỗi lò rộng 2,5 m, dài 3 m đốt bằng than hoa và có hệ thống quạt gió phụ trợ. Tính ra chi phí mỗi lò 5 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ 1 triệu. Trung bình 1 ngày đêm lò cải tiến sấy được 7 mẻ, mỗi mẻ 3 tạ sản phẩm. Từ ngày có hệ thống lò cải tiến công việc của gia đình anh Phương “chạy” hơn, và công lao động, nguyên liệu tiết kiệm hơn. Theo hệ thống lò cũ, bình quân để làm ra 1 tấn sản phẩm phải mất 4 lao động thường xuyên đảo nguyên liệu trái cây, tiền than điện chi phí khoảng 550 000 đồng, nay chỉ mất một lao động khá nhàn nhã, tiền than điện giảm xuống còn 230.000 đồng. Lò cải tiến lại chủ động hơn trong việc điều tiết nhiệt độ, giảm lượng khói nên chất lượng sản phẩm cao hơn, mầu sắc đẹp hơn.

 

Ông Thân Đức Sáng - Giám đốc Trung tâm KHCN & MT huyện Tân Yên cho biết hệ lò cải tiến này vốn dĩ Trung tâm đưa vào để giúp bà con nông dân sấy vải. Đến nay đã xây 12 lò tại các xã An Dương, Phúc Hoà, Lan Giới và thị trấn Nhã Nam. Lúc bắt tay vào xây lò nhiều người hoài nghi, qua vụ vải vừa rồi ít lò hoạt động vì không có vải để sấy. Nhưng đến nay thì đã có thể khẳng định kiểu lò cải tiết này hoạt động tốt và phù hợp không chỉ với sấy vải thiều. Nhiều hộ dân khác tại Tân Yên đang dự định xây lò để sấy măng, làm mỳ, miến.  

 

  Tiếp cận với hệ lò cải tiến khiến công việc chế biến sản phẩm của nhiều gia đình nông dân ở Tân Yên không vất vả. Và điều quan trọng hơn là đã giúp họ thêm tự tin, tính chuyện làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương./.

Trung bình (0 Bình chọn)