Về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước sau khi Nghị định 64/2007/NĐ-CP ra đời.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khi đặt câu hỏi tại sao trong thời gian vừa qua, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) vẫn chưa thực sự khởi sắc, và những nguyên do lại được nhắc đi nhắc lại thường xuyên là: Lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm

Đặc biệt, mới đây Đề án 112 – chương trình ứng dụng CNTT chủ yếu đối với nhiều cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã chính thức ngừng triển khai khiến nhiều nơi băn khoăn không biết thời gian tới hoạt động ứng dụng CNTT sẽ như thế nào? Đâu là cơ sở pháp lý và định hướng để các cơ quan QLNN có thể dựa vào mà triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT?

Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước được ban hành, những hạn chế, băn khoăn trên đã được Chính phủ quan tâm giải quyết. Bốn vấn đề quan trọng đã và đang được quan tâm giải quyết là:

Khơi thông nguồn vốn đầu tư.

Từ trước đến nay, trong các cơ quan sử dụng vốn ngân sách, việc huy động kinh phí đầu tư cho các dự án CNTT thường rất khó khăn vì trong các mục chi ngân sách không có mục chi dành riêng cho lĩnh vực CNTT. Do vậy, dù cơ quan QLNN có quyết tâm đẩy mạnh đầu tư cho CNTT đến đâu đi nữa mà không có đủ kinh phí thì chỉ có thể thực hiện một cách cầm chừng, thiếu tính hệ thống và không đồng bộ.

Tuy nhiên, cùng với việc ra đời của Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 64/2007/NĐ-CP thì hạng mục đầu tư cho CNTT sẽ được quy thành một mục chi riêng trong các mục chi của ngân sách dành cho các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời khẳng định việc đầu tư cho CNTT là đầu tư phát triển. Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang hoàn thiện danh mục chi thường xuyên cho CNTT và trong thời gian tới, chi cho hoạt động này sẽ trở thành một mục riêng trong các mục chi của NSNN hàng năm.

Tính kế hoạch trọng hoạt động ứng dụng CNTT tại các cơ quan QLNN cũng đã được Chính phủ quy định bằng việc cơ quan QLNN cấp bộ, tỉnh phải xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan mình, trong đó có dự toán về kinh phí. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các mục chi đầu tư phát triển, chi hoạt động thường xuyên và từ các nguồn kinh phí khác.

Về cơ chế quản lý đầu tư cho hoạt động ứng dụng CNTT.

Một trong những khó khăn quan trọng nhất khi triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong thời gian qua là do chưa có một cơ chế quản lý đầu tư đặc thù dành cho lĩnh vực CNTT nên các dự án CNTT rất khó xây dựng và thông qua. Trên thực tế, các dự án CNTT đã phải áp dụng các quy định quản lý đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và điều này rất không phù hợp do có những đặc thù riêng. Trong đó, phải kể đến khó khăn chính là việc xác định tổng mức đầu tư cho các dự án phần mềm, các giải pháp có hàm lượng kỹ thuật cao vì phương thức áp dụng đơn giá phần mềm không thể áp dụng theo các quy định trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Chính phủ mới đây đã đưa ra định hướng: tổng mức đầu tư của dự án phần mềm ứng dụng nếu không thể xác định được theo các quy định hiện hành thì có thể xác định bằng phương pháp định cỡ và ước lượng chi phí phần mềm theo thông lệ quốc tế, đồng thời khuyến khích thực hiện các dự án phần mềm theo hình thức tổng thầu EPC. Giải pháp này sẽ tháo gỡ khó khăn hiện nay là đơn vị tư vấn thiết kế dự án CNTT không được trực tiếp tham gia quá trình triển khai, điều này không phù hợp với thực tế là trong lĩnh vực này, đơn vị thiết kế và thi công chủ yếu là một đơn vị.

Để có cơ sở pháp lý thực hiện việc này, các cơ quan hữu quan đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư các dự án ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước và ban hành Định mức kinh tế, kỹ thuật về tư vấn, thiết kế dự án phần mềm.

Xác định đúng vai trò của CNTT bằng việc gắn hoạt động tin học hoá với chương trình cải cách hành chính.

Từ nhiều năm nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang trong quá trình cải cách quy trình quản lý và CNTT chỉ là một công cụ, phương tiện giúp các quy trình quản lý được tiện lợi, hiệu quả hơn. Các dự án CNTT nếu không gắn với hoạt động cải cách hành chính chắc chắn sẽ rất khó thành công. Đây là bài học đắt giá được rút ra từ chính thực tiễn triển khai ứng dụng CNTT trong suốt thời gian qua.

Từ một khía cạnh khác, tình trạng quy trình quản lý hành chính liên tục thay đổi và không được chuẩn hoá cũng làm cho hoạt động CNTT gặp nhiều khó khăn, vì chỉ cần quy trình nghiệp vụ thay đổi thì toàn bộ chương trình ứng dụng cũng phải thay đổi theo, ít nhất cũng phải chỉnh sửa, trầm trọng hơn thì phải xây dựng lại hoàn toàn.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã quy định cơ quan QLNN phải thực hiện chuẩn hoá quy trình công việc, chủ yếu thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2000. Theo đó, cơ quan QLNN có trách nhiệm cải tiến và chuẩn hoá các quy trình công việc theo hướng phù hợp với chương trình cải cách hành chính, đồng thời phát huy tối đa khả năng ứng dụng CNTT trong xử lý các quy trình như hoạt động nội bộ và giao dịch giữa các cơ quan QLNN, với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh đó, cơ quan QLNN có trách nhiệm kết nối hạ tầng kỹ thuật của mình với mạng Internet để cung cấp dịch vụ hành chính công, cung cấp thông tin theo chức năng, nhiệm vụ và đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm tăng cường khả năng liên thông giữa các quy trình công việc, cải tiến những quy trình đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều cơ quan QLNN nhằm giảm tối đa thời gian xử lý. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục, lộ trình cung cấp các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan hữu quan đang tiến hành nghiên cứu, thống nhất các biểu mẫu điện tử giao dịch chung, hướng dẫn việc cải tiến, chuẩn hoá và áp dụng các quy trình công việc một cách đồng bộ giữa các cơ quan QLNN.

Nếu các quy trình quản lý hành chính được chuẩn hoá và đồng bộ giữa các cơ quan thì việc áp dụng CNTT sẽ hết sức thuận lợi. Sở dĩ ý tưởng triển khai các phần mềm dùng chung trong thời gian qua rất hay nhưng hiệu quả thấp, chủ yếu do các quy trình quản lý giữa các cơ quan là rất khác nhau nên không thể sử dụng chung được.

Về mặt công nghệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông cũng đang chủ trì xây dựng kiến trúc chuẩn Hệ thống thông tin quốc gia nhằm đảm bảo tính tương thích trong các QLNN, cụ thể gồm: áp dụng chuẩn mở trong việc kết nối mạng, trao đổi, lưu trữ dữ liệu và thông tin trong hệ thống thông tin của cơ quan QLNN; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT thống nhất.

Giải quyết yếu tố con người.

Yếu tố con người mang tính quyết định trong mọi hoạt động xã hội, nhưng với CNTT, nó lại càng quan trọng hơn. Một thực tế đã được đúc rút trong thời gian qua là chỉ nơi nào đội ngũ lãnh đạo quan tâm đến CNTT thì hoạt động ứng dụng CNTT mới hiệu quả và ngược lại. Một thực tế nữa, trong các cơ quan QLNN, người chịu trách nhiệm chính về CNTT trong thời gian qua thường là cán bộ cấp phó, do vậy tiếng nói đối với hoạt động ứng dụng CNTT trong tổ chức chưa thực sự mạnh mẽ. Một khía cạnh khác, trong hoạt động ứng dụng CNTT, đội ngũ cán bộ chuyên môn CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng – vai trò người trực tiếp triển khai. Nhưng trong thời gian qua, đội ngũ này chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chức danh, ngạch bậc, chỉ tiêu biên chế, chế độ đãi ngộ do đặc thù công việc... dẫn đến tình trạng trong phần lớn các cơ quan QLNN, đội ngũ này vừa thiếu về số lượng, lại yếu về chất lượng.

Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ đã quy định cụ thể một số nội dung sau:

Người đứng đầu cơ quan QLNN phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng CNTT thuộc lĩnh vực, đơn vị mình phụ trách; phải có trách nhiệm chỉ đạo ứng dụng CNTT vào xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong trao đổi thông tin, (trừ những văn bản qui định).

UBND cấp tỉnh có một đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ chuyên trách về CNTT là Sở Bưu chính, Viễn thông. Các chức danh Giám đốc CNTT hay việc xây dựng chỉ tiêu biên chế dành cho chuyên trách CNTT cũng đã được từng bước giải quyết. Cụ thể, thủ trưởng đơn vị chuyên trách về CNTT trong cơ quan QLNN đảm nhiệm chức danh Giám đốc CNTT, chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động ứng dụng CNTT. Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan hữu quan xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành CNTT và tiêu chuẩn chức danh Giám đốc CNTT để thực hiện thống nhất trong các cơ quan QLNN. Mặt khác, cơ quan QLNN cũng phải bố trí đủ cán bộ chuyên trách CNTT phù hợp với kế hoạch ứng dụng CNTT của cơ quan mình.

Chính sách ưu đãi nhân lực CNTT cũng đã được khai thông, cụ thể: cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan QLNN sẽ được hưởng chế độ ưu đãi về điều kiện làm việc như sử dụng cơ sở hạ tầng CNTT, đào tạo nâng cao trình độ.  Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho nhân lực CNTT trong cơ quan mình.

Như vậy, một định hướng mới về việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước vừa mang tính tổng thể, vừa khắc phục những khó khăn cơ bản trong suốt thời gian dài vừa qua đã và đang được từng bước thực hiện. Chúng ta tin tưởng rằng, trên cơ sở những định hướng và chính sách mới từ phía Chính phủ như đã trình bày ở trên và sự quyết tâm của các cơ quan hữu quan sẽ thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan QLNN trong cả nước nói chung và  tỉnh Bắc Giang nói riêng trong thời gian tới./.

Trung bình (0 Bình chọn)