Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Môi trường pháp luật quan trọng cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Luật tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XIV, gồm 9 chương, 68 điều. Việc thông qua và ban hành Luật thay thế cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đã tạo ra hành lang pháp lý và môi trường pháp luật mới quan trọng cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

     Tín ngưỡng và tôn giáo đều là niềm tin mang tính tâm linh của con người. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm không giống nhau và Luật tín ngưỡng tôn giáo đã giải thích rõ giúp cho việc phân biệt cụ thể. Theo đó, Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội; Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.

     Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào". Quyền hiến định này được cụ thể hóa bằng Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn  giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ  sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.

     Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng được thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Mỗi cơ sở tín ngưỡng cần phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng, như việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng; thông báo việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ; đăng ký tổ chức lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi; quản lý và sử dụng khoản thu đúng mục đích, công khai, minh bạch. Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng hằng năm của cơ sở tín ngưỡng phải thực hiện đăng ký chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng; các lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi thay vì phải xin phép như trước đây thì nay chỉ phải đăng ký; các hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đăng ký đã được chấp thuận thì phải đăng ký bổ sung. Đây là  những quy định mới được đánh giá là tiến bộ hơn, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay.

     Về hoạt động tôn giáo

     Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 16 Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho không chỉ tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo, người theo tôn giáo thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mà nhóm người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức cũng được thực hiện. Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người. Đó là điểm mới đáng chú ý so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trước đây. Để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện, gồm: có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật; tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở; nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật về các hành vi bị nghiêm cấm. Sau khi có chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức được tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý; bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc; sửa chữa, cải tạo trụ sở; tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo; tổ chức đại hội thông qua hiến chương.

     Về tổ chức tôn giáo thì một trong những điều kiện tiên quyết để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo đó là tổ chức phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Như vậy thời gian cần và đủ theo quy định đã được rút ngắn nhiều so với quy định trước đây. (Nghị định 22/2005 quy định thời gian hoạt động ổn định, liên tục là 20 năm). Các điều kiện khác cần đáp ứng như có hiến chương; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập cũng được quy định cụ thể, rõ ràng. Sau khi được công nhận là tổ chức tôn giáo, tổ chức được thực hiện phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo.

     Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo giúp cho việc thực hiện tốt quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời, bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật. Nôi dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm: Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo;  Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; Phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Nhà nước thực hiện thanh tra chuyên ngành tôn giáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là những biện pháp pháp lý quan trọng và cần thiết nhằm thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

     Cùng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có vai trò và trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người. Cụ thể là: Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

     Những quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm tính ổn định và liên tục của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trước và sau khi Luật có hiệu lực 1/1/2018. Cụ thể như sau: Nhóm người đã được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo trước ngày Luật có hiệu lực không phải làm thủ tục đăng ký, công nhận lại theo quy định của Luật này; Tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; hội đoàn tôn giáo, dòng tu và tổ chức tu hành tập thể đã được cấp đăng ký hoạt động trước ngày Luật có hiệu lực không phải làm thủ tục đề nghị, đăng ký lại theo quy định của Luật này; Đối với tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật có hiệu lực thì thời gian để công nhận là tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật này được tính từ khi tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Tổ chức tôn giáo đã được công nhận trước ngày Luật có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Các tổ chức tôn giáo này có trách nhiệm điều chỉnh hiến chương tại đại hội gần nhất và đăng ký hiến chương sửa đổi theo quy định của Luật này; Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật có hiệu lực có trách nhiệm thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này; Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực, cơ sở tín ngưỡng đã thông báo hoạt động tín ngưỡng hằng năm trước ngày Luật này có hiệu lực có trách nhiệm đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định của Luật này.

     Chỉ còn 6 tháng nữa là Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành. Thực hiện tốt các công việc chuẩn bị như ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tuyên truyên, phổ biến sâu rộng những nội dung của Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân… là yếu tố quan trọng góp phần đưa Luật vào cuộc sống.

Luật gia Hoàng Văn Lợi

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21,437
Tổng số trong ngày: 462
Tổng số trong tuần: 2,323
Tổng số trong tháng: 64,816
Tổng số trong năm: 384,023
Tổng số truy cập: 1,682,986