Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 năm 2023 và cả năm 2023 tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 năm 2023 và cả năm 2023 tỉnh Bắc Giang

Năm 2023, UBND tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy; chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.

A. Tình hình kinh tế xã hội

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo đó, Kinh tế tỉnh Bắc Giang năm 2023 tăng trưởng 13,45% so với năm 2022, đây là tốc độ tăng cao nhất cả nước năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,63%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,25%; khu vực dịch vụ tăng 6,56%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,14%. Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (đóng góp 11,88 điểm phần trăm), đây là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định (đóng góp 0,32 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng khá (đóng góp 1,10 điểm phần trăm).

Kinh tế tỉnh Bắc Giang năm tăng trưởng 13,45% so với năm 2022, tốc độ tăng cao nhất cả nước năm 2023

Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất, nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả toàn diện, nổi bật, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp và dịch vụ liên quan có tốc độ tăng 2,34%, chiếm tỷ trọng 88,5% trong tổng giá trị tăng thêm của khu vực này và đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của ngành. Ngành lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan ước tăng trưởng là 4,04%. Ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt tăng trưởng là 5,27%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng

Ngành công nghiệp - xây dựng đã nhanh chóng hồi phục, lấy lại được đà tăng trưởng mạnh mẽ và là động lực chính cho tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt 18,56%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng 19,32%, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,98%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý, quản lý nước thải, rác thải tăng 6,13%; ngành khai khoáng giảm 5,61%. Đây được xem là mức tăng trưởng cao trong điều kiện môi trường kinh doanh trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng đạt 6,83%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trên đến từ khu vực doanh nghiệp FDI, trong khi việc giải ngân vốn đầu tư công còn khó khăn, đầu tư xây dựng từ khu vực hộ dân cư sụt giảm.

Khu vực dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khởi sắc và có tốc độ tăng cao ở nhiều ngành. Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào giá trị tăng thêm như: Bán buôn và bán lẻ tăng 10,3% so với năm 2022; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 18,33%; ngành vận tải, kho bãi tăng 13,46%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,65%.

2. Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển, năng suất - sản lượng các cây trồng chủ yếu đều tăng; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Do vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì tăng trưởng, khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp đối mặt với một số khó khăn, thách thức, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở mức cao, giá bán sản phẩm không ổn định thường xuyên ở mức thấp, việc tiêu thụ nông sản vẫn gặp khó khăn.

Trồng trọt

Diện tích đất canh tác các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm do chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất đô thị, đất công nghiệp của tỉnh. Năng suất các loại cây trồng ổn định so với năm trước.

Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi trong năm ổn định, tuy nhiên quy mô tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần qua các năm do hiệu quả kinh tế mang lại không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng sức kéo giảm. Bên cạnh đó, các thịt gia súc cùng loại được nhập khẩu về có giá rẻ hơn, nên cũng ảnh hưởng đến phát triển tổng đàn. Trong khi đó tổng đàn gia cầm ổn định và có tăng nhẹ so với cùng kỳ do nhu cầu, giá cả, thị trường tiêu dùng ổn định.

Cụ thể: Đàn trâu: Ước đạt 30,1 nghìn con bằng 97,5% so với cùng kỳ. Đàn trâu giảm mạnh do nhu cầu nuôi trâu lấy sức cày, kéo thấp, bãi chăn thả ngày càng thu hẹp, chăn nuôi trâu thương phẩm có giá trị kinh tế thấp hơn các vật nuôi khác, chi phí ban đầu cao, thời gian nuôi dài, thu hồi vốn chậm... Số con xuất chuồng cả năm ước đạt 6 nghìn con, bằng 97,3% so cùng kỳ năm trước, Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt gần 1,7 nghìn tấn, bằng 96,6% so với cùng kỳ năm trước; Đàn bò: Tổng đàn bò ước đạt 108,5 nghìn con, bằng 98,9% so với cùng kỳ. Số con xuất chuồng ước đạt 31,2 nghìn con, bằng 98,3% so cùng kỳ năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt gần 5,4 nghìn tấn, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm trước; Đàn lợn: Tổng đàn lợn hiện có toàn tỉnh ước đạt 879,6 nghìn con, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số con xuất chuồng ước đạt gần 1,7 triệu con, tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 172,4 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; Đàn gia cầm, toàn tỉnh ước đạt 20,2 triệu con tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đàn gà đạt 17,3 triệu con, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng ước đạt 118,6 nghìn tấn, tăng 2,0%, trong đó sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 95,4 nghìn tấn tăng 6,0% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp

Công tác trồng rừng: Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh cả năm 2023 ước đạt 10.558 ha, bằng 102,1% so cùng kỳ. Diện tích rừng trồng tập trung chủ yếu ở 4 huyện miền núi của tỉnh là: Lục Ngạn trên 2 nghìn ha, Lục Nam trên 1,7 nghìn ha, Sơn Động trên 4,5 nghìn ha và Yên Thế trên 1,5 nghìn ha. Trồng cây phân tán ước đạt 5.125 nghìn cây, bằng 102,3 % so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh cả năm 2023 ước đạt 10.558 ha, bằng 102,1% so cùng kỳ

Sản xuất thủy sản

Năm 2023 diện tích nuôi trồng thủy sản có xu hướng giảm nhẹ do định hướng quy hoạch phát triển ngành thủy sản của tỉnh, tập trung phát triển ở những vùng có lợi thế qui mô mặt nước nuôi trồng. Do vậy những diện tích nhỏ lẻ không chủ động được nguồn nước được chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 54.694 tấn, tăng 4,0% so với năm 2022. Trong đó: sản lượng nuôi trồng cả năm ước đạt 51.588 tấn, tăng 4,5%; sản lượng khai thác cả năm ước đạt 3.106 tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Ngành công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế trọng điểm, với vai trò là động lực chính cho phát triển kinh tế của tỉnh. Công nghiệp tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao nhất, đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Trong đó, tập chung chủ yếu ở ngành sản xuất linh kiện điện tử do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2023 ước đạt 99,64% so với tháng trước và tăng 29,6% so với cùng kỳ. So với tháng trước, ngành khai khoáng đạt 86,04%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 99,7%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 100,47%; cung cấp nước, xử lý rác thải đạt 101,47%. So với cùng kỳ năm trước, ngành khai khoáng tăng 6,88%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 29,99%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 13,16%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,63%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 20,36% so với năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 20,83%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,65%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,51%.

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Từ đầu năm, toàn tỉnh có 1.976 DN và 145 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 37,5% so với năm 2022; tổng vốn đăng ký 26.614 tỷ đồng, bằng với cùng kỳ (vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 13,5 tỷ đồng). Theo khu vực kinh tế, có 20 DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1%; 1.304 DN thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 66%, 652 DN thuộc khu vực dịch vụ chiếm 33%. Trong năm cũng đã có 437 DN quay trở lại hoạt động, giảm 6%. Tuy vậy, có 134 DN giải thể, 783 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 30% so với năm 2022 và có 1.068 doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở đăng ký.

Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 15.740 doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký 4,42 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 60% số DN hoạt động trên tổng số DN đăng ký; trên 42% DN hoạt động có hiệu quả; 40% DN hoạt động cầm chừng; 18% DN mới đăng ký, đang trong quá trình 11 chuẩn bị các thủ tục gia nhập thị trường (số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đứng thứ 23 cả nước).

số Doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đứng thứ 23 cả nước

4. Đầu tư và xây dựng

Đầu tư

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn năm 2023 ước đạt 84 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2022. Tính đến nay, có 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, Trung Quốc là nước đầu tư với giá trị lớn nhất vào tỉnh với trên 227 dự án, tổng số vốn khoảng 5,14 tỷ USD; kế đến là Hàn Quốc với gần 300 dự án và số vốn đăng ký đạt khoảng 2,1 tỷ USD.

Xây dựng

Trong năm, một số loại VLXD như sắt thép, nhựa đường, đất san lấp, xăng dầu... có sự biến động mạnh về giá, UBND tỉnh đã chỉ đạo đánh giá tác động của biến động giá VLXD, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng. GTSX ngành xây dựng theo giá so sánh ước đạt 29,6 nghìn tỷ, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.

5. Thương mại, dịch vụ và giá cả

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2022. Các nhóm hàng có doanh thu tăng mạnh so với năm trước như: nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 11,2 nghìn tỷ, tăng 22,5%; nhóm xăng, dầu các loại ước đạt 6,4 nghìn tỷ, tăng 20,2%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 0,8 nghìn tỷ, tăng 14,1% ...

Hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh phục hồi mạnh mẽ và có mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Ngành dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành trong năm vừa qua ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt trên 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2022 (trong đó dịch vụ lưu trú tăng 17,7%, dịch vụ ăn uống tăng 35,6%); dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 46,7 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2022. Các dịch vụ còn lại đều tăng nhẹ: dịch vụ khác ước đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%; dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6,3 nghìn tỷ, tăng 7%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng tăng 4,6% so với năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2022

Vận tải

Doanh thu vận tải năm 2023 ước đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2,9 nghìn tỷ, tăng 37%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt gần 9 nghìn tỷ, tăng 15,5%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ ước đạt gần 1 nghìn tỷ, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Về Bưu chính viễn thông

Toàn tỉnh hiện có 334 điểm phục vụ bưu chính. Có 1.580 vị trí lắp đặt trạm BTS, tăng 35 trạm; 1,9 triệu thuê bao điện thoại, tăng 2,7%; 1,76 triệu thuê bao Internet, tăng 2,3% so với năm 2022. Tổng doanh thu bưu chính, viễn thông đạt 2.750 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách Nhà nước trên 70 tỷ đồng.

Thu chi ngân sách nhà nước

Thu ngân sách: Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 ước đạt 15.943 tỷ đồng, vượt 6% dự toán (bằng 78,6% năm 2022); trong đó, thu nội địa khoảng 14.297 tỷ đồng, vượt 8,9% dự toán UBND tỉnh giao và đạt 77,6% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu khoảng 1.630,6 tỷ đồng, đạt 85,8% dự toán. Nguyên nhân chính số thu ngân sách năm 2023 thấp so với năm 2022 đến từ khoản thu tiền sử dụng đất. Thu tiền sử dụng đất ước tháng 12 đạt 732 tỷ đồng. Lũy kế cả năm ước đạt 6.431tỷ đồng, so với cùng kỳ đạt 59%.

Chi ngân sách: Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo thực hiện theo đúng dự toán, tiết kiệm, hiệu quả. Tổng chi ngân sách dự kiến cả năm ước 37.868,6 tỷ đồng, bằng 94,6% so với năm 2022, vượt dự toán 70,8%. Trong đó một số khoản chi lớn như: chi đầu tư phát triển do địa phương quản lý đạt 14.977,3 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 12.109,3 tỷ đồng, tăng 14,7% so cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất, tín dụng và các công cụ khác như duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để cho vay các chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến tiền tệ, tình hình nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng để điều tiết thanh khoản, ổn định tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Tổng thu tiền mặt đến năm 2023 ước đạt 290,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; chi tiền mặt ước đạt 285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ; thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt 600 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng

Giá nhiên liệu và giá thực phẩm giảm là nguyên nhân chính kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 trên địa bàn tỉnh giảm 0,03% so với tháng trước, tuy nhiên CPI tháng 12 năm nay vẫn tăng 1,64% so với tháng 12/2022. CPI bình quân quý IV/2023 tăng 1,28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 1,2% so với năm 2022.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 04 nhóm hàng chỉ số giá giảm, trong đó nhóm Giao thông giảm nhiều nhất (giảm 2,08%) tiếp đến là Bưu chính viễn thông ( giảm 0,68%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,25%); Văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,09%). Có 06 nhóm hàng chỉ số giá tăng: Nhà ở, điện nước, chất đốt, VLXD (tăng 1,18%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,93%); Đồ uống và thuốc lá (tăng 0,32%); Hàng hóa và dịch vụ khác ( tăng 0,24%); May mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,03%); Thuốc và dịch vụ y tế ( tăng 0,01%). Riêng nhóm Giáo dục không biến động. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 trên địa bàn tỉnh tăng 1,2% so với năm trước.

B. Một số vấn đề xã hội

1. Đời sống dân cư và các chính sách xã hội

Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có hiện tượng thiếu đói giáp hạt xảy ra. Các hoạt động chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công, giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí, trợ cấp một lần được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra các khiếu kiện phức tạp.

Chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn về giống, vốn để phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Từ đầu năm đến nay, có 47.680 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn xóa đói giảm nghèo, với tổng kinh phí 3.174 triệu đồng. Cấp 146.487 thẻ bảo hiểm y tế, kinh phí thực hiện 130.475 triệu đồng cho các đối tượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Việc triển khai chế độ chính sách được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 là 2,63%, giảm so với năm trước 1,18 điểm phần trăm; tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,4%, giảm 0,79% so với năm 2022.

Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thường xuyên. Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được các cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt. Các hoạt động chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công, giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Số lượng đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên là 68.000 đối tượng. Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách là gần 80 tỷ đồng; thăm tăng quà cho các đối tượng hộ nghèo là 16,2 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định là 16 tỷ đồng...

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực xã hội được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực.Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dưới 2% trên tổng số trẻ em; 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; trên 90% số tre em được cập nhật vào phần mềm quản lý trẻ em; duy trì 99,9% trẻ em sinh ra được khai sinh đúng thời hạn; không có phát sinh trẻ em nhiễm HIV/AIDS; toàn tỉnh có 170/209 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em, đạt 100% kế hoạch.

2. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Lĩnh vực văn hóa Trong tháng 12, một số hoạt động văn hóa chủ yếu diễn ra cụ thể như: tham gia liên hoan âm nhạc toàn quốc và đạt giải B với tác phẩm “ Bài ca nơi biên giới”…

Năm 2023 ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như: Bắc Giang chào đón năm mới 2023; Mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Quý Mão 2023; Đêm nhạc phật Vĩnh Nghiêm - Hào quang trí tuệ; Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và khai mạc tuần Văn hóa du lịch tỉnh; Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh; tổ chức thành công chương trình Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I; biểu diễn 94 buổi chương trình ca múa nhạc; tổ chức 500 buổi chiếu phim lưu động; tổ chức thành công Liên hoan các câu lạc bộ Chèo không chuyên tỉnh lần thứ II; tham gia hôi thi nghệ thuật quần chúng “ ca khúc cách mạng” toàn quốc đạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc; hội thi tuyên truyền lưu động “ Biển và hải đảo Việt Nam” đạt 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc; tham gia cuộc thi tài năng sân khấu chèo toàn quốc đạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc…

Lĩnh vực thể dục, thể thao và du lịch

Các hoạt động thể dục, thể thao trong năm tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng. Các huyện, thành phố tổ chức tốt các giải thể dục thể thao; tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 37,5%. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đăng cai tổ chức thành công 8 giải thể thao quốc gia (cờ vua, cờ tướng, cầu mây, cầu lông cá nhân, cầu lông đồng đội, đá cầu, vật dân tộc); tổ chức 21 giải thể thao cấp tỉnh với 30 lượt môn được tổ chức.

Trong năm tỉnh đã cử các vận động viên tham gia 66 giải quốc gia và quốc tế, giành được 358 huy chương các loại; có 52 lượt vận động viên đạt kiện tướng, 100 lượt vận động viên đạt cấp 1 quốc gia; tại giải vô địch điền kinh Châu Á, vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành huy chương vàng ở nội dung 1500m; tại đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, đoàn Bắc Giang có 2 huấn luyện viên và 6 vận động viên tham gia, đóng góp 7 huy chương các loại vào thành tích chung của đoàn thẻ thao Việt Nam.

3. Hoạt động y tế

Tình hình dịch bệnh

Trong tháng 12, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh không có diễn biến phức tạp. Các bệnh truyền nhiễm đa phần đều giảm so với tháng trước, một số bệnh giảm mạnh so với tháng trước có: sốt xuất huyết 117 ca, giảm 122 ca; viêm gan vi rút 65 ca, giảm 78 ca; cúm 473 ca, giảm 36 ca.. một số bệnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như tiêu chảy 173 ca, giảm 97 ca; cúm 473 ca, giảm 404 ca. Trong tháng không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.

Nhìn chung cả năm 2023 các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đều được kiểm soát tốt, không ghi nhận các dịch lớn, nguy hiểm xảy ra trên địa bàn. Các ca bệnh lẻ tẻ đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh ghi nhận: 342 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng 203 22 ca so với cùng kỳ; 240 trường hợp mắc chân miệng, tăng 103 trường hợp so với cùng kỳ; 2.400 trường hợp mắc Covid -19; 5.756 trường hợp mắc cúm thường; 39 trường hợp lỵ amíp; 132 trường hợp mắc Lỵ trực trùng; 93 trường hợp quai bị; 1.430 trường hợp thủy đậu và 2.358 trường hợp tiêu chảy…

Công tác khám chữa bệnh

Kết quả khám chữa bệnh trong tháng: số lượt khám chữa bệnh là 170.237 lượt (tuyến tỉnh: 61.782 lượt, tuyến huyện: 108.455 lượt), bằng 103% so với cùng kỳ năm 2022; bệnh nhân nội trú: 24.206 người (tuyến tỉnh: 12.409 người, tuyến huyện: 11.797 người), bằng 99% so với cùng kỳ; bệnh nhân điều trị ngoại trú: 61.070 người (tuyến tỉnh: 15.780 người, tuyến huyện: 45.290 người), bằng 130% so với cùng kỳ; công suất sử dụng giường bệnh là 111,7% (tuyến tỉnh: 118,8%, tuyến huyện: 102,6%), bằng 94% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023: Tổng số lượt khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập đạt 2,6 triệu lượt, tăng 7,3% so với cùng kỳ; điều trị nội trú cho trên 279 nghìn lượt bệnh nhân, tăng 12,7% so với cùng kỳ; công suất sử dụng giường bệnh trung bình toàn tỉnh đạt 102,1%, tăng 12,7 điểm phần trăm so với năm trước.

4. Hoạt động giáo dục và đào tạo

Toàn tỉnh hiện có 760 cơ sở giáo dục, trong đó có: 252 trường mầm non, giảm 7 trường so với năm học trước; 220 trường tiểu học; 209 trường trung học cơ sở; 22 trường tiểu học và trung học cơ sở, giảm 1 trường so với năm học 23 trước; 48 trường trung học phổ thông; 9 trung tâm. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp đạt 96%. Toàn tỉnh có 710 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, có 155 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được quan tâm, chỉ đạo, duy trì vững chắc, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Có 209/209 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi mức độ 3.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi giữ vững được vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Giáo dục tiểu học hoàn thiện việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lớp 1,2,3, tổ chức hiệu quả các hoạt động của thư viện thân thiện, tích cực xây dựng bể bơi trong trường học nhằm dạy bơi và giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. Giáo dục trung học: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,42%, tăng 0,44% so với năm học trước; 58/89 học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đoạt giải, có 4 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba và 25 giải khuyến khích nằm trong tốp 8 tỉnh dẫn đầu cả nước; 3 học sinh tham gia kỳ thi quốc tế và cả 3 đều đạt giải; tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt 2 giải tư.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh tuyển mới 532 chỉ tiêu giao viên nâng số đội ngũ giáo viên và nhân viên các bậc học lên 30.250 người. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp mầm non đạt 1,96; tiểu học đạt 1,4; trung học cơ sở đạt 2; trung học phổ thông đạt 2,2.

5. Dân số, lao động và việc làm

Sơ bộ ước tính dân số trung bình của tỉnh Bắc Giang năm 2023 là 1.922.740 người (trong đó dân số khu vực thành thị 379.364, chiếm 19,7%; dân số khu vực nông thôn 1.543.376, chiếm 80,3%), lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước đạt 996.719 người, chiếm 51,8% tổng dân số.

Toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 33.200 lao động, trong đó: Việc làm trong nước 31.000 người (đạt 100,5% so với cùng kỳ ) và số người đi xuất khẩu lao động 2.200 người (đạt 133,3% so với cùng kỳ).

Trong năm tổng số lao động bị mất việc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 518 người, trong dó doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài là 480 người và lao động trong ngành sản xuất linh kiện điện tử bị mất việc là 477 người. Tổng số lao động bị giãn nghỉ việc trong năm là 4.357 người, trong đó chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( 3.732 người) hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất điện tử (2.714 người) và dêt may (1.071 người). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước tính là 3%.

6. Hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thông qua công tác lực lượng chức năng trong tháng 12 đã xử lý 6.298 trường hợp vi phạm với 440 trường hợp liên quan đến quá khổ, quá tải, 2.613 trường hợp về nồng độ cồn, 1.802 trường hợp chạy quá tốc độ. Lực lượng chức 25 năng cũng đã tạm giữ 3.491 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 3.104 trường hợp, thu nộp 21,6 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Về tai nạn giao thông

Tính từ 15/11/2023 đến ngày 14/12/2023, toàn tỉnh xảy ra 59 vụ tai nạn giao thông, làm chết 36 người, làm bị thương 36 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn tăng 7 vụ; tăng 11 người chết; số người bị thương tăng 4 người. So với tháng trước số vụ tai nạn tăng 40 vụ, tăng 24 người chết và tăng 27 người bị thương. Tính chung cả năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 390 vụ tai nạn giao thông, làm chết 230 người, làm bị thương 224 người; so với cùng kỳ năm 2022: giảm 90 vụ, giảm 57 người chết và giảm 85 người bị thương.

7. Về an ninh chính trị

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị trong tháng 12 và cả năm cơ bản ổn định, không xảy ra những vấn đề nghiêm trọng. Dịp cuối năm thường là khoảng thời gian mà tình hình an ninh chính trị có những diễn biến phức tạp, theo đó Công an tỉnh đã tập trung lực lượng tăng cường công tác chuyên môn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội, góp phần phục hồi kinh tế. Cùng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngăn chặn vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Tổng số vụ vi phạm môi trường trong năm là 165 vụ, giảm 17,91% so với cùng kỳ; số vụ vi phạm môi trường đã xử lý trong năm là 164 vụ, giảm 16,33% so với cùng kỳ; tổng số tiền xử phạt 2.698 triệu đồng, giảm 19,82%.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được các bộ phân liên quan thực hiện đúng theo quy định. Trong năm, toàn tỉnh đã tiếp 9.142 lượt người đến khiếu nại tố cáo và kiến nghị, phản ánh giải quyết 6.192 vụ việc (tăng 925 lượt người và tăng 57 vụ việc so với năm 2022). Tổng số đơn phải giải quyết là 4.227 đơn; đã xem xét giải quyết xong 3.859 đơn, đạt tỷ lệ 91,3%, giảm 0,5% so với năm 2022. Chỉ đạo giải quyết xong 20/20 vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài./.

BGP.

 

Trung bình (0 Bình chọn)